Thứ bảy 10/05/2025 13:25

Tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng

Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) không thể tiến hành một cách riêng lẻ và cần có sự chung tay của cả cộng đồng dân cư và các bên liên quan. Thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng là giải pháp căn bản trong nông nghiệp và việc tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH cho cộng đồng là cần thiết.  

Đó là chia sẻ của GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Ban chỉ đạo chương trình, đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tại Hội thảo “Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng: Từ diễn đàn đến khuyến nghị chính sách” do Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (VAERD) phối hợp với nhà tài trợ tổ chức ngày 26/6, tại TP. Huế.

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Ban chỉ đạo chương trình, đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) phát biểu tại Hội thảo “Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng

PGS.TS Trần Văn Hòa – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Huế - cho rằng: BĐKH đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam. Trong những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết, thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan và khó lường. Nông nghiệp là một trong các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp và ảnh hưởng lớn nhất bởi BĐKH, nếu không kịp thời có các giải pháp thích ứng với BĐKH, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ không thể vượt qua những khó khăn, thách thức ngày càng lớn cho BĐKH mang lại.

Do vậy, việc trao đổi, nghiên cứu về kinh nghiệm thích ứng với BĐKH, đặc biệt là những sáng kiến từ các mô hình cộng đồng dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng trực tiếp trước tác động của BĐKH thực sự có ý nghĩa về khoa học lẫn thực tiễn, góp phần hạn chế các tác động tiêu cực và nâng cao năng lực của người dân trong việc thực hiện các hoạt động sản xuất thích ứng BĐKH...

“Thông qua hội thảo, tôi tin tưởng rằng với sự tham gia và trình bày của các nhóm chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực thì các đại biểu sẽ có dịp trao đổi về các vấn đề về BĐKH...Qua đó tìm được tiếng nói chung về sự đánh giá, phân tích và đề xuất các khuyến nghị chính sách tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng”, PGS. TS Hòa chia sẻ.

Theo GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Ban chỉ đạo chương trình, đại diện GEF – SGP, thực tế cho thấy, các giải pháp thích ứng với BĐKH không thể tiến hành một cách riêng lẻ và cần có sự chung tay của cả cộng đồng dân cư và các bên liên quan. Từ đó, có thể nói thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng là giải pháp căn bản trong nông nghiệp và việc tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH cho cộng đồng là cần thiết.

“Sẽ có hàng loạt câu hỏi đặt ra như cộng đồng cần làm gì và làm như thế nào để thích ứng với BĐKH, nhà nước cần có chính sách gì để hỗ trợ cộng đồng trong phát triển nông nghiệp thích ứng BĐKH dựa vào cộng đồng, các bên liên quan cần hỗ trợ cộng đồng những gì để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững... Dự án được xem là một sáng kiến, một cách làm hay để tìm ra câu trả lời thích ứng với BĐKH. Vùng dự án trải rộng trên toàn quốc và lựa chọn Huế là địa điểm triển khai các hoạt động chính”, GS. TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhấn mạnh tại hội thảo.

GS-TS Phạm Vân Đình - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – VAERD - cho biết: Những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu có tính sáng tạo cao, trong đó có mô hình tạo sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng. Từ quá trình trải nghiệm, cộng đồng đã từng bước tìm ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nảy sinh những sáng kiến, đúc kết thành tri thức, kinh nghiệm, được kiểm nghiệm qua thời gian, đã có sự chọn lọc và thích nghi với đặc điểm văn hóa và môi trường, phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội của các cộng đồng khác nhau.

Trên thực tế đã có nhiều mô hình, trong đó có những mô hình được triển khai đã hỗ trợ cho người dân, cộng đồng, như mô hình canh tác hành tím thích ứng với đất bị hạn hán và xâm nhập mặn ở Vĩnh Châu - Sóc Trăng; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ lúa sang luân canh lạc và ngô, xen canh ngô và sắn để tiết kiệm nước ở Đồng Xuân - Phú Yên; mô hình sử dụng các giống lúa chịu hạn, chịu mặn (Phú Yên, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Bình Định, Thừa Thiên Huế); Mô hình canh tác tiết kiệm nước (Quảng Trị, Sóc Trăng, Phước Long); mô hình tạo mương đồng mức và trồng rừng để giảm tác động của lũ quét ở Thanh Hóa; mô hình trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị ...

GS-TS Phạm Vân Đình - cho rằng, thực tế cho thấy các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu không thể tiến hành một cách riêng rẽ mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng dân cư và các bên liên quan. Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cần có sự tham gia của cả cộng đồng ở cơ sở.

GS-TS Phạm Vân Đình - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – VAERD

Cũng theo GS-TS Phạm Vân Đình, trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu, các cộng đồng đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên những hỗ trợ dựa trên tiếp cận nâng cao năng lực cộng đồng còn ít được chú ý. Và đây chính là vấn đề được Dự án Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng- Từ diễn đàn đến khuyến nghị chính sách quan tâm và mong muốn được góp phần giải quyết thông qua các khuyến nghị về chính sách.

“Những vấn đề trên cần được chia sẻ, được phổ biến và nhân rộng cho các cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và giải pháp có hiệu quả nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu.Tiếp cận này sẽ giúp người dân gắn kết tốt việc cải thiện sinh kế bền vững, tạo thu nhập và việc làm trong các điều kiện khó khăn trong khi vẫn bảo vệ được tài nguyên môi trường. Thông qua việc thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với các hoạt động cụ thể như sử dụng đất, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, canh tác hay nuôi trồng thủy sản”, ông Đình nêu quan điểm.

Hầu Tỷ