Chủ nhật 22/12/2024 23:30

Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả: Bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Dù dịch bệnh khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhưng thực trạng hàng lậu, hàng giả vẫn diễn ra, thậm chí các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Diễn biến phức tạp

Năm 2021, theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cả nước không có chiều hướng giảm. Nhất là các loại hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: Găng tay y tế, khẩu trang và các loại thuốc, vật tư y tế dùng để phòng chống Covid-19; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Địa bàn trọng điểm là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, các khu vực thuộc Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tình hình buôn lậu, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp trong đại dịch Covid-19

Tại Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” ngày 15/12, do Tạp chí Hải quan tổ chức, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) - ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, qua công tác đấu tranh, cơ quan Hải quan đã nhận diện ra các phương thức thủ đoạn vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: Lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế.

Trước tình hình đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan ban hành Công văn số 1239/TCHQ-ĐTCBL ngày 17/3/2021 để chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành về công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm triển khai thực hiện đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế công tác và yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện điều tra nghiên cứu nắm tình hình, rà soát dữ liệu trên các chương trình nghiệp vụ để sàng lọc đối tượng trọng điểm, lập kế hoạch đấu tranh, bắt giữ.

Về hành vi vi phạm xuất xứ hàng hóa, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết thêm, qua công tác thu thập thông tin, điều tra nghiên cứu nắm tình hình, lực lượng Hải quan còn phát hiện một số đối tượng người Trung Quốc thành lập các doanh nghiệp ở Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ để thực hiện việc xuất khẩu sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hoặc thông qua các công đoạn sản xuất đơn giản chưa đáp ứng được tiêu chí chuyển đổi mã số HS hoặc tiêu chí tỉ lệ phần trăm giá trị nhưng vẫn khai báo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ để lẩn tránh thuế quan. Còn đối với trong nước, có một số doanh nghiệp lợi dụng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để nhập khẩu, mua nguyên liệu, sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc sau đó sản xuất hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam trong địa bàn hoạt động hải quan rồi bán ra thị trường nội địa nhằm lừa dối người tiêu dùng là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục Hải quan cũng đã tham mưu lãnh đạo Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch số 1195/KH-BTC ngày 4/10/2019 về việc kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp. Đồng thời, Cục Điều tra chống buôn lậu tham mưu lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng Kế hoạch số 441/KH-TCHQ ngày 18/10/2019 về kiểm tra, xác minh, đấu tranh với hoạt động giả mạo nhãn hiệu, gian lận xuất xứ nhằm mục đích buôn lậu, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng, chuyển tải bất hợp pháp để triển khai trong toàn ngành. "Quá trình thực hiện đã phát hiện nhiều vụ vi phạm về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Cụ thể, trong thời gian thực hiện Kế hoạch từ ngày 18/10/2019 - 30/4/2020, cả nước đã phát hiện 42 vụ việc về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa. Trong đó, cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố vụ án 2 vụ, chuyển tin báo về tội phạm và cung cấp hồ sơ vụ việc cho cơ quan an ninh điều tra 1 vụ"- ông Nguyễn Hùng Anh cho hay.

Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả cuối năm

Vào dịp cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng tăng lên, vì vậy tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn. Thực tế này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mà còn làm thất thu thuế cho Nhà nước.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sau giai đoạn dịch bệnh, mùa mua sắm cuối năm nay có 3 yếu tố mới liên quan đến hàng giả, hàng lậu mà doanh nghiệp rất lo lắng. Trước hết là do sức mua của người tiêu dùng giảm rất rõ rệt. Thứ hai, theo thông lệ hàng năm mùa cao điểm mua sắm cuối năm cũng là thời điểm hàng giả xuất hiện rất nhiều. Trong khi đó, năm nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn, khả năng cung ứng hàng hóa ra thị trường kém hơn so với mọi năm. Thứ ba là sự bùng nổ của thương mại điện tử. “Hiện các doanh nghiệp rất bức xúc về vấn đề hàng giả buôn bán trên mạng, kể cả các sàn thương mại điện tử uy tín lẫn các điểm bán của cá nhân trên Facebook, Zalo”- bà Hạnh nói.

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái kéo dài sẽ giết chết các doanh nghiệp chân chính và cả nền sản xuất trong nước trong bối cảnh hàng hóa đang phải chật vật cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Vì vậy, đại diện Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao kiến nghị cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra các trang mạng, các sàn thương mại điện tử, qua đó vừa xử phạt, vừa truyền thông; còn người tiêu dùng đặc biệt chú ý tới yếu tố pháp lý khi mua sắm hàng hóa.

Về phía cơ quan Hải quan, theo ông Nguyễn Hùng Anh, cơ quan hải quan sẽ tăng cường kiểm soát việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Đối tượng kiểm tra trong đợt cao điểm lần này sẽ là tổ chức, cá nhân sản xuất, chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa hoặc có hoạt động thương mại điện tử, hoạt động trên môi trường mạng để kinh doanh, có hành vi, dấu hiệu vi phạm như kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các dấu hiệu vi phạm về quảng cáo, đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức...

Ngày 2/12/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) cũng đã ký ban hành Kế hoạch 119/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; góp phần bảo đảm bình ổn giá, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh, để hạn chế, kiểm soát tình trạng buôn lậu, hàng giả, phải quyết liệt tăng cường xử lý các đường dây ổ nhóm và những người tổ chức cầm đầu. Bên cạnh đó là tuyên truyền các quy định pháp luật cũng như thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Đồng thời, cần thúc đẩy phối hợp giữa các lực lượng chức năng. “Tới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục rà soát công tác phối hợp, nếu phát hiện những tồn tại thì sẽ tiếp tục đề xuất các bộ, ngành và Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sửa đổi, bổ sung phù hợp để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”- ông Dũng cho hay.

Hoa Quỳnh
Bài viết cùng chủ đề: Người tiêu dùng

Tin cùng chuyên mục

Thừa Thiên Huế: Thu giữ số lượng lớn hàng hoá giả nhãn hiệu

Hà Nội: Tạm giữ nhiều thực phẩm nghi nhập lậu tại 2 cơ sở ở La Phù

Bắc Giang: Chuyển công an điều tra vụ Nguyễn Hữu Điện sản xuất thực phẩm giả

Bắc Giang: Kiểm tra hộ kinh doanh Lan Quý, tạm giữ hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm

Ninh Bình: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu, bị phạt 34,5 triệu đồng

Hà Nội: Đột kích kho hàng, tạm giữ hàng nghìn túi xách có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Phú Thọ: Tạm giữ gần 6.000 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Adidas

Tiền Giang: Quyết liệt kiểm tra thuốc lá lậu cuối năm

Hòa Bình: Tiêu hủy gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra 68.280 vụ việc

Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Bắc Giang: Thu nộp ngân sách trên 900 triệu đồng từ xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử

Đến hẹn lại lên, buôn lậu thuốc lá lại 'nóng' dịp cuối năm

Hoà Bình: Thu giữ gần 1 tấn nội tạng hôi thối khi đang đi tiêu thụ

Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng: Năm 2024, xử lý 81 đơn vị vi phạm trong kinh doanh thuốc lá

Buôn lậu, gian lận thương mại: Giảm số vụ nhưng tăng trị giá hàng hóa

TP. Hồ Chí Minh: Quản lý thị trường tiêu hủy hơn 19.000 đơn vị sản phẩm vi phạm

Lạng Sơn: Tiêu hủy hơn 1 tấn thực phẩm nhập lậu là tang vật vi phạm

Hải Phòng: Tăng cường kiểm soát thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Đà Nẵng: Quý IV/2024, xử lý 28 vụ buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu