Tài chính xanh tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển xanh
Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam - Chung tay kiến tạo Kinh tế Xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng CPTM Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức vào ngày 8/7 vừa qua tại Đà Nẵng với sự tham gia của các diễn giả đến Deloitte cùng lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong cả nước.
Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26. Do đó, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Toàn cảnh hội thảo |
Nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050; các Bộ, ngành liên quan tại Việt Nam đều đang xây dựng, hoàn thiện chính sách để thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại hướng tới mục tiêu trên.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng đã đề cập đến Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã ban hành để áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM). Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu vào các thị trường này sẽ chịu tác động của Cơ chế CBAM nếu không có sự chuẩn bị để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải khí nhà kính ngày càng được nâng cao.
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành: Doanh nghiệp cần đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân theo hướng xanh và bền vững. Trước các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần nắm bắt cập nhật thông tin, cải tiến quy trình sản xuất; đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên để nhanh chóng đáp ứng được xu mới, đạt được lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng cần tiếp cận và sử dụng các nguồn tài chính xanh, bền vững phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí vốn và đạt hiệu quả cao.
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị, BIDV, chia sẻ: “Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước hàng đầu, BIDV luôn xác định trách nhiệm là đơn vị tiên phong trong thực thi các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, sẵn sàng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh quốc gia. Tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV”.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú khẳng định, tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh là các mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu trong hoạt động của BIDV |
Tại Hội thảo, Lãnh đạo BIDV cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để tư vấn và giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm tài chính bền vững. Đồng thời, kết nối các cơ hội hợp tác trong tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái tài chính bền vững tại Việt Nam.
Trong phiên chia sẻ kinh nghiệm, các chuyên gia của Deloitte Singapore và Việt Nam đã cập nhật nhiều thông tin quan trọng về tổng quan về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới; đồng thời, phân tích sâu hơn về bối cảnh thực hành phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, từ đó, chia sẻ về lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 cho các doanh nghiệp.
Nội dung trình bày, thảo luận tại Hội thảo đã góp phần làm rõ tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy xanh, bền vững trong doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển định hướng kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Từ đó, doanh nghiệp có hướng đi phù hợp nhằm chung tay thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững tại Việt Nam nói riêng, rộng hơn là khu vực và thế giới.
Tính đến cuối năm 2022, BIDV tiếp tục dẫn đầu thị trường về tài trợ lĩnh vực xanh với 1.718 dự án, dư nợ tín dụng/bảo lãnh đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 4,3% tổng dư nợ tín dụng của BIDV và 13% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. BIDV hiện cũng là định chế tài chính trong nước duy nhất ký kết MOU với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. |