Sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Kinh nghiệm của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam
Trong 2 ngày 14-15/9, tại Quảng Ninh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc tổ chức Hội thảo “Trao đổi về một số vấn đề trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - Kinh nghiệm của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác song phương giữa Việt Nam và Úc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (VACPP) giai đoạn 2022-2023.
Hội thảo “Trao đổi về một số vấn đề trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) - Kinh nghiệm của Úc và khuyến nghị cho Việt Nam” |
Phát biểu khai mạc hội thảo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, được Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn thực thi các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo Luật hiện có 7 Chương, 80 Điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Dự thảo đã bổ sung mới 29 Điều khoản, sửa đổi 49 Điều khoản và giữ nguyên 02 Điều khoản.
“Dự thảo được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 Chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021” - Bà Nguyễn Quỳnh Anh thông tin.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phát biểu khai mạc hội thảo |
Đại diện Ban soạn thảo Luật cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng dự án Luật theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn.
Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động xin ý kiến đối với dự án Luật đã được Bộ Công Thương chủ động thực hiện rộng rãi, thường xuyên, thông qua nhiều hình thức, phương thức, kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, đồng thời, phối hợp với nhiều tổ chức, hiệp hội, đoàn thể để mở rộng phạm vi và đối tượng xin ý kiến.
Tuy vậy, đại diện của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nhìn nhận, hoạt động tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng xã hội, các chuyên gia trong và ngoài nước, trong đó có việc học hỏi, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phải liên tục được duy trì, thông qua đó giúp cơ quan chủ trì có thể tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật một cách tốt nhất.
“Các nội dung trao đổi trong khuôn khổ chương trình Hội thảo sẽ là thông tin hữu ích, liên quan trực tiếp tới các vấn đề trong Dự thảo Luật. Qua đó, góp phần giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập có thêm thông tin để hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình lên cấp có thẩm quyền” - Bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đánh giá cao sự chủ động và tích cực của Bộ Công Thương, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trong việc tiến hành lấy ý kiến của quần chúng nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với Dự thảo Luật, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng hoạt động xin ý kiến đối với Dự án Luật vẫn được thực hiện thường xuyên, thông qua đa dạng các phương thức thực hiện.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn là vấn đề mới ở Việt Nam, vì vậy việc liên tục nghiên cứu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức của nước ngoài là rất cần thiết.
“Sự hợp tác, phối hợp của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc và sự hỗ trợ của Chính phủ Úc thông qua chương trình hợp tác song phương Việt Nam - Úc về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là những hoạt động rất có ý nghĩa với Việt Nam. Đặc biệt, các nội dung trao đổi trong khuôn khổ chương trình giúp cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam có thêm thông tin để hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình lên Quốc hội có ý kiến thông qua” - ông Tạ Đình Thi khẳng định.
Các chuyên gia đến từ Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc đã chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong việc sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Uỷ ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc đã chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam liên quan đến các nhóm vấn đề quan trọng như Bảo vệ thông tin người tiêu dùng; Bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch trên nền tảng số; Bảo vệ người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp; Sử dụng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng;...
Đến thời điểm hiện tại, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến lần 1 vào tháng 10 năm 2022. |