Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Chưa phát hiện đơn vị nào tăng giá hàng hóa bất thường
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo về chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tếTP. Hồ Chí Minh chiều 18/8, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã trả lời báo giới những thông tin liên quan đến vấn đề kiểm tra việc tăng giá bất thường đối với các mặt hàng trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi về giá hàng hóa của báo giới chiều 18/8 |
Theo bà Ngọc, gần đây Sở Công Thương đã gửi văn bản kiểm tra giám sát việc tăng giá hợp lý tới các siêu thị, cửa hàng, cửa hàng, chợ đầu mới, các đơn vị bình ổn giá… Kết quả ban đầu chưa phát hiện đơn vị vi phạm và đã có một số siêu thị thông báo giảm giá một số mặt hàng thiết yếu. Ví dụ như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh đã có thông báo giảm giá mặt hàng dầu ăn như: Dầu ăn Cooking giảm giá từ 50.000 đồng xuống còn 47.000 đồng, dầu ăn Nakydaco giảm từ 47.000 xuống còn 43.000 đồng… Mức giảm giá này được áp dụng từ ngày 22/8.
Cũng theo bà Ngọc thì hiện nay, nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả được giữ bình ổn theo đúng quy định do các đơn vị chuẩn bị cung ứng nguồn hàng dồi dào, nhiều doanh nghiệp bình ổn còn cam kết giữ giá cho người tiêu dùng.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2022, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi UBND TP. Thủ Đức và 21 quận - huyện, cùng các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, các đơn vị quản lý chợ đầu mối và các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.
Công văn đề nghị UBND TP. Thủ Đức và 21 quận - huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc liên quan theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường trên địa bàn; báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công Thương, Sở Tài chính; kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hàng, tăng giá đột biến.
Cũng theo công văn này, Sở Công Thương đề nghị các hệ thống phân phối: Phải dự báo cung cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa; chuẩn bị nguồn hàng dồi dào giá, cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý. Tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu, ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; đặc biệt quan tâm, nghiên cứu chính sách ưu đãi đối với những sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiếu thiết yếu khác.
Đối với các đơn vị chợ đầu mối: Tăng cường kiểm tra theo dõi lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh - kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá hàng hóa…