Sẽ bỏ quy định xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công
Bộ Công an vừa hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Khi được thông qua và ban hành, nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.
Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 16 điều trong đó có 14 điều để sửa đổi các Nghị định có quy định về việc liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công, trong đó bỏ các quy định yêu cầu công dân phải nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Khi được thông qua và ban hành, nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. |
Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau: Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode, thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân có gắn chíp để khai thác thông tin; tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch vụ công; sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, khai thác, sử dụng thông tin hiển thị trong ứng dụng VNEID; các phương thức khác theo quy định của của pháp luật chuyên ngành.
Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công chỉ được phép yêu cầu công dân nộp, xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú khi không khai thác được thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc chưa được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dự thảo Nghị định không quy định thêm thủ tục hành chính mà còn cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục được quy định trong các Nghị định được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại dự thảo Nghị đinh này, do vậy, đem lại thuận lợi hơn cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Dự thảo cũng nêu rõ 5 cách thức để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một, sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip như giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú;
Hai, sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân;
Ba, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch công để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự;
Bốn, sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự;
Năm, sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú và sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cũng theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào vận hành thống nhất, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính.
Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nhiều hoạt động như: Kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ để xác thực số định danh cá nhân, Căn cước công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân; kết nối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam để kết nối thông tin công dân; kết nối với để thực hiện cấp, hủy số định danh cá nhân cho trẻ em khai sinh; kết nối với Bộ Y tế để phục vụ rà soát thông tin tiêm chủng của công dân.
Kết nối, xác thực với Tập đoàn Điện lực Việt Nam phục vụ nghiệp vụ ngành điện; kết nối, xác thực với Ban cơ yếu Chính phủ phục vụ rà soát thông tin cán bộ cơ yếu; kết nối với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính để xác thực thông tin công dân, xác thực thông tin chủ hộ, tra cứu thông tin công dân làm sạch dữ liệu ngành thuế, nghiệp vụ ngành thuế; thử nghiệm thành công dịch vụ xác thực thông tin công dân tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân thông qua trục tích hợp quốc gia của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu trong hồ sơ phải chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú theo quy định của các nghị định nêu trên trong khi thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gây lãng phí, phiền hà cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Do vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công theo quy định của Luật Cư trú là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.