Rút bảo hiểm xã hội một lần, đa số tuổi còn trẻ
Việc ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian vừa qua nguyên nhân chủ yếu là do: Người lao động không tiếp tục tham gia vào thị trường lao động, khó khăn về kinh tế, cần tiền để lo gia đình, chưa có đầy đủ thông tin nên thiếu tin tưởng vào chính sách, lo lắng Quỹ Bảo hiểm xã hội…
Rút bảo hiểm xã hội một lần, đa số tuổi còn trẻ |
Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ông Nguyễn Duy Cường cho biết: Giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người lao động được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chỉ 1,3 triệu người trong số này là quay lại hệ thống bảo hiểm xã hội.
Phân tích đánh giá sâu cho thấy, gần 70% những người rút bảo hiểm xã hộicó thời gian đóng ngắn dưới 5 năm. Điều đáng lo ngại là những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%); tiếp đó nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ hai (chiếm khoảng 37,1%); nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi đứng thứ 3 (chiếm khoảng 15,4%), nhóm tuổi từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi đứng thứ 4 (chiếm khoảng 5,8%), nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ 5 (chiếm khoảng 1,1%) và thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%).
Có thể thấy, việc rút bảo hiểm xã hội một lần tăng đặt ra thách thức rất lớn với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Bởi số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia bảo hiểm xã hội và số người hưởng lương hưu, từ đó không đạt được mục tiêu chính sách là: Bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, mức độ gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là đến năm 2030 có khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Trước tình trạng số người rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng, vừa qua Bộ LĐTBXH trình gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với việc đưa ra 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đây.
Trong tờ trình Chính phủ tiếp tục trình 2 phương án liên quan rút bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 70 Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Cụ thể phương án 1: Quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần với 2 nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu thì được rút một lần. Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến là ngày 1/7/2025) không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, ra nước ngoài định cư, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng (theo Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, người lao động có yêu cầu được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.
Theo nhận định của Chính phủ, phương án 2 ưu điểm hơn phương án 1 là đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Phương án 2 hài hòa quyền lợi trước mắt của người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Bởi, mặc dù số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại nên không ảnh hưởng tới số người tham gia.