Thứ sáu 29/11/2024 02:52

Rối loạn tiền đình: Không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho sức khỏe

Rối loạn tiền đình ngày càng phổ biến và số người mắc bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng – chia sẻ: Rối loạn tiền đình là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế, khiến người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo... Bệnh hay tái phát, làm ảnh hưởng tới công việc, chất lượng cuộc sống.

Rối loạn tiền đình ngày càng có xu hướng gia tăng

Biểu hiện thường gặp nhất của rối loạn tiền đình là chóng mặt, mất thăng bằng. Ngoài ra có thể có các triệu chứng khác, như: Ù tai, nhìn mờ, buồn nôn, vã mồ hôi… Ngoài ra, bệnh nhân rối loạn tiền đình còn có biểu hiện nhịp tim, nhịp thở nhanh, hay hồi hộp, đánh trống ngực, huyết áp cao (nếu nguyên nhân gây bệnh do tăng huyết áp) hoặc huyết áp thấp (trong trường hợp bệnh hình thành do huyết áp thấp)... Một số trường hợp người bệnh bị đau đầu nhiều, tay chân tê, run rẩy... Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đang có xu hướng trẻ hóa.

Rối loạn tiền đình được chia thành 2 dạng chính là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn chuyển hóa, với các nguyên nhân gây bệnh chủ yếu: Do nhiễm virus zona, bị thủy đậu, quai bị... khiến dây thần kinh tiền đình bị liệt. Từ đó khiến cho tình trạng chóng mặt đột ngột xuất hiện, kéo dài kèm theo các rối loạn về thính lực hay rối loạn khác.

Bệnh nhân mắc các bệnh tiểu đường, suy giáp, tăng đường huyết... cũng có nguy cơ gây tắc nghẽn mạch máu, lượng máu lên não kém

Do căng thẳng, mất ngủ, áp lực công việc làm tổn thương hệ thống thần kinh. Khi dây thần kinh số 8 bị tổn hại thì hệ thống tiền đình sẽ nhận được thông tin không chính xác và sẽ hoạt động sai, rối loạn.

Rối loạn tiền đình có chữa khỏi không?

Rối loạn tiền đình có thể chữa khỏi nếu người bệnh thực hiện điều trị đúng, tích cực. Bệnh nhân không nên tự mua thuốc để điều trị vì có nhiều loại thuốc có thể gây tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh nên thực hiện tập luyện thường xuyên, nhẹ nhàng đối với đốt sống cổ để giúp khí huyết lưu thông, giảm tình trạng thiếu máu lên não.

Trong trường hợp người cao tuổi bị chóng mặt, kèm theo nhức đầu đột ngột, mờ mắt, sốt cao, mất thị lực, giảm thính giác... thì nên đi bệnh viện khám vì đó có thể là ảnh hưởng tiêu cực của rối loạn tiền đình. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên tích cực điều trị các bệnh mãn tính gây rối loạn tiền đình như huyết áp thấp, tăng huyết áp, mỡ máu... theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Để điều trị rối loạn tiền đình, người bệnh bị mỡ máu, xơ vữa động mạch... cần chú ý chế độ ăn uống. Người cao tuổi mắc bệnh không nên lạm dụng rượu bia, cần uống đủ nước hằng ngày. Người lớn tuổi nên tắm bằng nước ấm trong buồng kín gió, giữ ấm cơ thể trong mùa lạnh. Đồng thời, vận động cơ thể thường xuyên, tốt nhất là đi bộ mỗi ngày khoảng 60 phút, tránh ngồi quá lâu ở một vị trí mà không thay đổi tư thế.

Rối loạn tiền đình có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như chấn thương hay đột quỵ. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh cần điều trị rối loạn tiền đình theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện chất lượng cuộc sống và tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.

Các phương pháp điều trị

Áp dụng các bài tập: Tập các bài tập vật lý để các bộ phận trong cơ thể có sự phối hợp nhịp nhàng, giúp não dễ nhận biết tín hiệu và xử lý tín hiệu thông suốt. Đồng thời vẫn phải duy trì tập luyện thể thao với các bài tập phù hợp hàng ngày.

Ăn uống khoa học: Dinh dưỡng hàng ngày phải đảm bảo đầy đủ các nhóm chất, tăng cường vitamin từ rau xanh, củ quả, hạn chế đồ dầu mỡ, chiên rán...

Nghỉ ngơi hợp lý: Tránh làm việc quá sức, để đầu óc căng thẳng, nên nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

Sử dụng thuốc khi cần thiết: Bệnh nhân rối loạn tiền đình trong nhiều trường hợp sẽ được chỉ định dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự ý uống thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Phẫu thuật: Một số trường hợp áp dụng các phương pháp trên không đạt hiệu quả sẽ được chỉ định phẫu thuật để khắc phục tình trạng rối loạn tiền đình.

Một số bài thuốc điều trị theo y học cổ truyền

Huyễn vựng do hư chứng

Chứng trạng: đầu và mắt choáng váng, bệnh xảy ra chậm nhưng kéo dài liên miên, tâm hồi hộp, tinh thần mệt mỏi, tứ chi lạnh, mất ngủ, trí nhớ kém, mắt không nhìn rõ rệt, buồn nôn, mạch thường tế nhược, vô lực, rêu lưỡi trắng.

Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí, bổ thận dưỡng tâm.

Phương huyệt: châm các huyệt Bách hội, Phong trì, Quan nguyên, Tỳ du, Túc tam lý, Tam âm giao, Nội quan kết hợp cứu. Nếu đàm nhiều, châm thêm Phong long, nếu thận dương hư châm thêm Khí hải, Thận du, Thái khê.

Bài thuốc: Kỷ cúc địa hoàng thang gia vị

Thục địa 12g, hoài sơn 12g, sơn thù 10g, đan bì 12g, bạch linh 12g, trạch tả 12g, kỷ tử 10g, cúc hoa 10g, bạch thược 12g, hà thủ ô 10g, thạch quyết minh 10g, mẫu lệ 12g.

Huyễn vựng do thực chứng

Chứng trạng: chứng huyễn vựng đến khá nhanh và nặng, có khi xảy ra từng cơn, ngực bụng bị đầy và bứt rứt, buồn nôn, đầu mắt choáng váng đến nỗi không ngồi lên được. Tâm phiền, miệng đắng, mất ngủ nhiều mộng mị, đau buốt thắt lưng, mặt đỏ, mạch huyền hoạt hoặc huyền sác, lưỡi đỏ, rêu vàng.

Pháp điều trị: bình can tức phong, tiềm dương, điều đàm, giáng hỏa.

Phương huyệt: châm các huyệt Bách hội, Phong trì, Nội quan, Can du, Thái xung, Túc tam lý, Tam âm giao, Phong long.

Bài thuốc:

Nếu là do can nhiệt thịnh thì dùng bài Thiên ma Câu đằng ẩm gia giảm:

Thiên ma 8g, câu đằng 12g, thạch quyết minh 12g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g, tang ký sinh 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 10g, đan bì 12g, long đởm thảo 10g, long cốt 8g, mẫu lệ 10g.

Nếu là do đàm trọc ứ trệ thì dùng bài Bán hạ bạch truật thiên ma thang:

Bán hạ 10g, trần bì 10g, bạch linh 12g, cam thảo 6g, bạch truật 12g, trạch tả 12g, thiên ma 10g, chỉ thực 10g, sinh khương 3 lát.

Trà Trần bì: Trần bì 10g, trà 5g hãm uống thay nước hàng ngày.

Nước sắc râu ngô: Râu ngô 30g, cho nước 300ml sắc còn 150ml, uống lúc đói (trị đàm ẩm)

Nấm mộc nhĩ trắng 15g (mộc nhĩ ngâm nước một đêm cho nở), thịt lợn nạc 50g, táo đỏ 10 quả gia nước hầm chín, ăn hàng ngày (trị chứng hư huyễn).

Tâm An
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Y tế

Tin cùng chuyên mục

Tọa đàm ‘Chuyển đổi đô thị xanh - từ Đan Mạch đến Việt Nam’

Doanh nghiệp tuyển 7.000 việc làm tại Ngày hội tuyển dụng Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Bộ Y tế yêu cầu điều tra, xử lý vụ nghi ngộ độc bánh mì ở Vũng Tàu

Trao giải cuộc thi viết “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024”

Quảng Ninh: Đầu tư nhân lực, nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Nhân sự 27/11: Bộ Xây dựng bổ nhiệm Chánh văn phòng; Hòa Bình, Hà Giang điều động cán bộ chủ chốt

Dự báo thời tiết biển hôm nay ngày 28/11/2024: có gió mạnh sóng lớn và mưa dông trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 28/11/2024: Trung Bộ cục bộ có nơi mưa to và giông

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng: Chuyển đổi số thành công nhờ 3 yếu tố

Gia Lai: Chuyện về cô giáo trẻ và hành trình gieo chữ ở vùng cao

Bộ Nội vụ: Thông tin sáp nhập các tỉnh, thành trên mạng xã hội là sai sự thật

Trường hợp nào không cần giấy chuyển tuyến vẫn được hưởng 100% bảo hiểm y tế?

Phiên họp Nhóm công tác Hải quân Việt Nam - Singapore lần thứ 10

Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng

Chính sách 'vàng' thu hút nhân lực y tế về Quảng Ninh

Quảng Nam: Xuất hiện vết nứt dài, 10 hộ dân phải di dời khẩn cấp

Dưa hấu rớt giá thê thảm, nông dân Gia Lai 'mòn mỏi' chờ thương lái

Thận trọng trước loạt sản phẩm hỗ trợ sức khỏe bán trái phép trên thương mại điện tử

Vũng Tàu: Gần 50 người nhập viện nghi do ngộ độc bánh mì

Quảng Bình: Cháy xưởng sản xuất bột cá, thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng