Thứ bảy 28/12/2024 07:24

Quyết liệt đấu tranh với vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử

Lực lượng quản lý thị trường đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.

Chế tài chưa theo kịp thực tế

Đến nay, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của năm 2021 đạt từ 13,5 - 13,7 tỷ USD. Dự báo năm 2022, thị phần bán lẻ trực tuyến đạt 16,5 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 đạt 38 - 39 tỷ USD.

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh tham luận tại Diễn đàn thanh niên Công Thương với pháp luật về thương mại điện tử

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - chỉ rõ: Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của TMĐT ở Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên mạng internet là vấn nạn đáng lo ngại, vấn đề nhức nhối của xã hội. Thực tế, 3 năm trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý khoảng 3.000 vụ việc; xử phạt vi phạm hành chính mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, nhưng đây là con số khiêm tốn so với thực tế. Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Công Thương, mỗi ngày có tới 5 - 6 khiếu nại của người tiêu dùng. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt môi trường TMĐT thì sẽ gây nên thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, ảnh hưởng người tiêu dùng và bản thân nền tảng TMĐT cũng sẽ bị mất uy tín.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, nguyên nhân của thực trạng này là do công tác quản lý địa bàn, thu thập, xử lý thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của một bộ phận cá nhân, đơn vị còn hạn chế. Việc theo dõi diễn biến thị trường, đôn đốc, kiểm tra, giám sát hoặc tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên thị trường có lúc còn bị động; công tác triển khai và phối hợp với các ngành, các cấp, các đơn vị trong nhiều trường hợp còn thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh dẫn đến việc thống nhất, đồng thuận trong giải quyết các vụ việc chưa cao. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng còn chưa thực sự hiệu quả…

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội xử lý 3.000 sản phẩm thể thao giả mạo nhãn hiệu, bán trên nền tảng thương mại điện tử

Bên cạnh đó, nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong truyền thống và TMĐT chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới. Tình trạng hàng giả trên môi trường TMĐT còn diễn biến phức tạp, xảy ra thường xuyên, với nhiều thủ đoạn tinh vi.

TMĐT là loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, những năm gần đây phát triển nhanh chóng, tăng nhanh cả về số lượng và quy mô giao dịch, các chủ thể tham gia thị trường; phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng, dựa trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin, trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý Nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.

Chưa kể, theo quy định hiện nay, thẩm quyền và chức năng quản lý nhà nước về đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng có sự tham gia của nhiều lực lượng như quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học - công nghệ, công an, hải quan, lực lượng kiểm tra văn hóa... Tuy vậy, mỗi cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ có văn bản quy phạm pháp luật quy định riêng đối với lĩnh vực được giao phụ trách và thực hiện có sự chồng chéo hoặc khác nhau về cách xử lý. Chưa kể, các văn bản được cập nhật, thay đổi thường xuyên, nên có độ trễ nhất định trong ra quyết định xử phạt. Đặc biệt, vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Phải có ràng buộc trách nhiệm pháp lý

Lực lượng quản lý thị trường xác định chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT là mặt trận mới, nhưng để làm được bài bản thì phải có nhiều công cụ hơn nữa. Đây chính là lý do mà Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đặt mục tiêu 100% sàn TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, 100% tổ chức cá nhân kinh doanh trên các sàn được tuyên truyền, phổ biến quy định và 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kiểm soát chặt thị trường hàng hóa

"Thời gian qua, nhiều sàn TMĐT đã ký cam kết nhưng vấn đề vẫn là thực hiện, ràng buộc trách nhiệm của từng chủ đơn vị kinh doanh trên sàn. Điều này giống như xây một cái chợ và cho thuê, không phải chỉ cho thuê mặt bằng mà không ràng buộc trách nhiệm về chất lượng hàng hóa. Thực tế, sàn TMĐT đã không có cơ chế kiểm soát tốt để cá nhân kinh doanh trên sàn có trách nhiệm, thậm chí có sàn TMĐT đăng bán cả hàng cấm như cần sa, pháo, vũ khí..." – ông Trần Hữu Linh nói và cho biết, phải có ràng buộc trách nhiệm, ký cam kết và đưa ra được những công cụ để kiểm soát, xử lý chặt chẽ hơn. Tới đây, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan yêu cầu các sàn TMĐT, đặc biệt các sàn lớn và những hạ tầng mạng xã hội như Zalo, Facebook có những cam kết cụ thể hơn.

Thùy Lan
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, Quản lý thị trường TP. Cần Thơ phát hiện 578 vụ vi phạm

Bắc Giang: Liên tiếp phát hiện vi phạm kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm

Quản lý thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Ninh Bình: Xử phạt Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ THN kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Phát huy vai trò nhân dân trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng

Sơn La: Xử phạt lái xe vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Nhiều kết quả nổi bật của Công đoàn Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh trong năm 2024

Lâm Đồng: Xử phạt Công ty Như Linh hơn 584 triệu đồng vì kinh doanh phân bón vi phạm chất lượng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tiêu hủy lượng lớn hàng hóa vi phạm

Ninh Bình: Một cơ sở kinh doanh điện thoại bị phạt 25 triệu đồng

Thừa Thiên Huế: Thu giữ số lượng lớn hàng hoá giả nhãn hiệu

Hà Nội: Tạm giữ nhiều thực phẩm nghi nhập lậu tại 2 cơ sở ở La Phù

Bắc Giang: Chuyển công an điều tra vụ Nguyễn Hữu Điện sản xuất thực phẩm giả

Bắc Giang: Kiểm tra hộ kinh doanh Lan Quý, tạm giữ hơn 27.000 sản phẩm mỹ phẩm

Ninh Bình: Kinh doanh thực phẩm nhập lậu, bị phạt 34,5 triệu đồng

Hà Nội: Đột kích kho hàng, tạm giữ hàng nghìn túi xách có dấu hiệu giả nhãn hiệu

Phú Thọ: Tạm giữ gần 6.000 đôi giày có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NIKE, Adidas

Tiền Giang: Quyết liệt kiểm tra thuốc lá lậu cuối năm

Hòa Bình: Tiêu hủy gần 1 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ