Quý I/2020: GDP duy trì tăng trưởng, tăng 3,82%
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội quý I/2020 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chiều ngày 27/3.
GDP tăng 3,82%
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân thì nền kinh tế nước ta trong quý I tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước.
“Điều này cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để đẩy lùi dịch bệnh, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.” – ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay; khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.
Đáng lưu ý, trong quý I, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016-2020; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngành là điểm sáng, ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) – cho biết, một số ngành công nghiệp tăng trưởng tốt như hóa dược liệu; ngành than cốc và dầu mỏ tinh chế; ngành sản xuất linh kiện điện tử.
“Sở dĩ các ngành này vẫn tăng trưởng tốt do Samsung cho ra đời điện thoại thế hệ mới, giúp tiêu thụ tốt. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chuyển nhà máy sản xuất vào Việt Nam, như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng...”- ông Phạm Đình Thúy nhấn mạnh.
Cũng do tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2020 đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 0,5%, nhập khẩu giảm 1,9%; xuất siêu quý I năm nay ước tính đạt 2,8 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá xăng dầu thế giới giảm, nguồn cung gia cầm dồi dào cũng là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Đỗ Thị Ngọc – Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), CPI tháng 3 và quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tỷ giá thương mại hàng hóa lần đầu tiên giảm trong 3 năm gần đây, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không được thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Kinh tế Việt Nam năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn, theo ông Nguyễn Bích Lâm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, sự hỗ trợ và chia sẻ gánh vác trách nhiệm giữa các thực thể trong nước trong giai đoạn khó khăn này.
“Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng, dựa trên độ mở, bối cảnh hiện hành và phù hợp năng lực. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2, có dịch bệnh, chúng tôi đánh giá thiệt hại tới các ngành, từ đó điều chỉnh kịch bản theo từng ngành. Ngay trong quý 1 đã 3, 4 lần cập nhật kịch bản. Sau khi có kết quả GDP quý 1, Tổng cục Thống kê đã khẩn trương làm lại kịch bản tăng trưởng, theo 2 kịch bản. Kịch bản 1, nếu dịch kéo dài hết quý 2 thì tăng trưởng trên 5%. Kịch bản 2 là dịch kéo dài sang quý 3, thì vẫn tăng trưởng 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1. Tuy nhiên, tăng trưởng 6,8% khó đạt được trong tình hình hiện nay ”- ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Với kịch bản tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, có ý kiến cho rằng liệu có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, quan điểm của Tổng cục Thống kê là mục tiêu này có từ khi chưa có dịch bệnh. Khi dịch xảy ra trên toàn thế giới, nếu tăng trưởng GDP trên 5% đã là thành công rực rỡ. “Trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, chúng ta tăng trưởng dương đã là thành công, rất đáng tự hào. Nên quan điểm của chúng tôi là không nên điều chỉnh mục tiêu, không cần thiết đổi mục tiêu. Quan trọng là chúng ta nỗ lực hết sức, thực hiện đồng bộ giải pháp.”- ông Nguyễn Bích Lâm khẳng định.
Một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Thực tế, trong quý I vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, với vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước quý I đạt mức tăng khá, 13,2% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. “Như vậy, tháo gỡ về thể chế sẽ tháo gỡ được giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân 1% vốn đầu tư công sẽ làm cho GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm. Nâng cao hiệu quả đầu tư công, tháo gỡ nút thắt sẽ nâng tăng trưởng kinh tế”- ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bích Lâm, thời gian tới, Chính phủ cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới, khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kỹ thuật, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh đầu tư tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và giảm giá thịt lợn góp phần kiểm soát lạm phát. Tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...