Quảng Ninh: Xử phạt trên 4 tỷ đồng các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trong năm 2022
Trong năm 2022, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hơn 12.000 cuộc thanh, kiểm tra; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 915 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính trên 4 tỷ đồng và tịch thu hơn 30 tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Tính riêng trong tháng 12/2022, đã có 59 tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh Quảng Ninh bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm với tổng số tiền xử phạt gần 479 triệu đồng. Trong số 59 tổ chức, cá nhân bị xử phạt về an toàn thực phẩm thì có 38 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm mức độ và nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Số thực phẩm không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện |
Điển hình như: Cửa hàng UNIQUE - thực phẩm sạch (số 22+ 24 đường Hùng Vương, phường Hòa Lạc, TP. Móng Cái) do ông Bùi Duy Khánh là chủ, bị phạt 70 triệu đồng; ông Hoàng Mạnh Tuấn (phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long) bị phạt 30 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Quyết (khu 1, phường Hà Khẩu, TP. Hạ Long) bị phạt 50 triệu đồng; ông Hoàng Văn Hùng (xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) bị phạt 30 triệu đồng; bà Phùng Thị Chuyên (khu 4, phường Trần Phú, TP. Móng Cái) bị phạt 25 triệu đồng; cửa hàng Trangfood (khu 5, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả) bị phạt 16 triệu đồng…
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 49.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thực phẩm được nhập từ nhiều nguồn trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhập khẩu, nên việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn gặp nhiều khó khăn.
Tại cuộc họp tổng kết kết quả thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2022, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh phải đưa ra những chỉ tiêu cần phấn đấu đạt được trong năm 2023; trong đó cần tập trung giảm thấp nhất các vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo không có vụ ngộ độc thực phẩm hơn 30 người trở lên. Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các cấp cần triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm với nội dung, hình thức phù hợp; cung cấp các số điện thoại đường dây nóng; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được phân công, phân cấp quản lý.
Đăc biệt, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm các cấp cần triển khai quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm được cung ứng tại các chợ, siêu thị; thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội, góp phần để người dân Quảng Ninh đón Tết an toàn, đảm bảo sức khỏe.
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, thận trọng lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ.