Quảng Ninh: Chung tay gỡ khó cho ngành Than
Chủ động thực hiện nhiều giải pháp
Tại buổi làm việc, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV - cho biết, khó khăn của ngành Than bắt đầu từ năm 2012 vì giá liên tục đi xuống và sức ép cho ngành Than ngày càng lớn. TKV đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu số một- duy trì việc làm, thu nhập cho hơn 11 vạn cán bộ, công nhân viên, người lao động
Trước tình hình tiêu thụ và giá bán than diễn biến xấu, từ nay đến cuối năm, TKV buộc phải thực hiện các giải pháp có tính “cực đoan”. Thứ nhất, giảm sản lượng khai thác than, đẩy mạnh tiêu thụ để giảm tồn kho. Hiện nay, 11,1 triệu tấn than tồn kho tương đương 17 ngàn tỷ đồng nằm “đắp chiếu”. Thứ hai, tiếp tục cắt giảm chi phí, những mỏ nào giá thành cao, chỉ sản xuất ở mức vừa đủ cho công nhân có việc làm và tăng sản xuất ở mỏ có giá thành thấp. Thứ ba, tiếp tục giảm lương lãnh đạo và cán bộ quản lý gián tiếp, để ưu tiên tiền lương cho thợ lò, bảo đảm không giảm.
Đặc biệt, TKV cũng công khai những khó khăn, vướng mắc, đồng thời tuyên truyền bằng nhiều hình thức để ổn định tư tưởng cho công nhân, người lao động.
Cần nhiều giải pháp gỡ khó cho ngành Than |
Chung tay vượt khó
Làm gì để giảm bớt khó khăn cho ngành Than và bảo đảm việc làm, thu nhập của công nhân lao động là những trăn trở lớn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, nhiều nội dung được triển khai như: Dự án khắc phục ảnh hưởng sụt lún khu dân cư Đồi Chè; phương án di dời các hộ dân tại các khu nhà do TKV quản lý; cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực đã kết thúc khai thác và đổ thải… Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương đều khẳng định sẽ chung tay tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định, Quảng Ninh sẽ đồng hành cùng 2 đơn vị ngành Than trong giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, đồng thời báo cáo Chính phủ xem xét, giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của tỉnh. Đề nghị TKV và Tổng công ty Đông Bắc thống nhất quan điểm cùng với Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 không dưới 10% và thu ngân sách nội địa vượt ít nhất 2.000 tỷ đồng.
“Để tháo gỡ khó khăn của ngành Than, cần thực hiện các giải pháp và hành động cụ thể. Vấn đề khó nhất đối với ngành Than là bài toán tiêu thụ sản phẩm. Bài toán này cần được các đơn vị của TKV, Tổng công ty Đông Bắc ưu tiên số một và phải có giải pháp chuyên biệt”- Chủ tịch Nguyễn Đức Long đề nghị.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, ngành Than gắn liền với sự phát triển của Quảng Ninh và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, an sinh xã hội của tỉnh.
Về quan điểm giải quyết các kiến nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị hai đơn vị làm theo nguyên tắc: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành Than, cụ thể các thủ tục hành chính, những vấn đề thuộc thẩm quyền của các sở, ngành, địa phương cần làm với tinh thần nhanh nhất, đơn giản nhất; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền cao hơn thì thống nhất và chủ động báo cáo sớm lên cấp trên.
Theo đó, Bí thư Nguyễn Văn Đọc chỉ đạo hướng giải quyết những vấn đề cụ thể đối với các dự án, như khu vực Sông Chanh, Đồi Chè và một số dự án trọng điểm khác của TKV. Đồng thời yêu cầu TKV làm văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn. “Việc làm này, nhằm mục tiêu trước hết cho công nhân lao động ngành Than, cùng với đó là ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”- Bí thư Nguyễn Văn Đọc nêu rõ và khẳng định, nếu không gỡ khó cho ngành Than, để ngưng trệ sản xuất, công nhân không có việc làm, gần 40% dân số tỉnh Quảng Ninh sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, đây là một trong những nội dung quan trọng sắp tới sẽ được tỉnh Quảng Ninh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: “Trong lịch sử phát triển ngành Than, đây là giai đoạn khó khăn nhất. Hơn lúc nào hết, càng khó khăn, chúng ta càng phải gần nhau hơn. Các sở, ngành, địa phương ghé vai cùng TKV, Tổng công ty Đông Bắc để tháo gỡ khó khăn bằng những hành động cụ thể”. |