Quảng Nam: Đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý
Tết Nguyên đán Canh Tý đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội Xuân 2020 phục vụ nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công văn số 6800/UBND-KGVX ngày 13/11/2019 về việc triển khai thực hiện các nội dung nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020.
Công văn nêu rõ, Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa trước dịp Tết Nguyên đán |
Tổ chức chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội; quản lý thực phẩm theo đặc thù địa phương; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, phổ biến rộng rãi các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.
Huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết cũng như mùa Lễ hội Xuân 2020.
Tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, thanh tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.