Quản lý thị trường xử lý gần 20.500 vụ buôn lậu, gian lận thương mại
Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cơ quan thường trực (Tổng cục Quản lý thị trường) đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thành viên ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Công văn số 1898/BCĐ389-CQTT ngày 13/4/2022 chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương và Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19; Công văn số 2187/BCĐ389-CQTT ngày 26/4/2022 chỉ đạo các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương và Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch số 04/KH-TCQLTT ngày 18/3/2022 về việc Phát động thi đua lập thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường năm 2022...
Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã phối hợp, hỗ trợ Tổng cục Quản lý thị trường kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý, đặc biệt là đối với trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của đối tượng trong hoạt động kinh doanh.
Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm từ ngày 15/12/2021 - 14/6/2022, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý gần 20.500 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 129 tỷ đồng. Điển hình, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, tạm giữ 112 thùng carton với gần 60.000 kit test nhanh Covid-19, 3.000 sản phẩm thuốc tân dược và gần 200.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ trị giá trên 10 tỷ đồng; vụ việc phát hiện, thu giữ gần 2.000 hộp “Cafe Hoàng Gia” giảm cân có thành phần gây ngộ độc. Vụ việc kiểm tra và thu giữ 28.575 hộp thực phẩm bổ sung viên sủi Vitamin BEEROCAC+ có dấu hiệu xâm phạm quyền của nhãn hiệu Bayer Consumer Care AG.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã tịch thu, tiêu hủy 2,5 tấn chân gà rút xương không rõ nguồn gốc; tạm giữ 1.000kg mỡ nước cáu bẩn, không rõ nguồn gốc. Lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố kiểm tra xử phạt các cơ sở kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu vi phạm liên quan hoạt động kinh doanh xăng dầu; cơ sở, cá nhân vi phạm trong kinh doanh phân bón; phát hiện, xử lý các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc…
Tập trung giám sát các mặt hàng trọng điểm
Với kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, vì vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị thành viên và lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; Công điện số 960/CĐ-BCT ngày 01/3/2022 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tập trung thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu |
Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 6 tháng cuối năm là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái, trong đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung vào một số mặt hàng chủ lực chính liên quan đến xăng dầu nhằm giám sát đảm bảo không để xảy ra gian lận thương mại của gần 17.000 cây xăng trên cả nước.
"Cùng với đó, kiểm tra, kiểm soát thị trường các vấn đề liên quan đến hàng giả dịp Tết Trung thu, vấn đề an toàn thực phẩm, hàng giả hàng nhái dịp khai giảng, dịp Tết dương lịch và Tết âm lịch… đặc biệt hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử và mạng xã hội", ông Trần Hữu Linh thông tin.
Bên cạnh đó, nắm bắt tình hình vi phạm tại các cửa khẩu, địa bàn nổi cộm có liên quan đến mặt hàng đường, phân bón và xăng dầu; tình hình lưu chuyển hàng hóa tại các kho chứa hàng của các doanh nghiệp kho vận, doanh nghiệp nhập khẩu hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc tân dược; kịp thời phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu thay đổi thời hạn sử dụng trên nhãn, bao bì hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tăng cường tổ chức triển khai các quy chế phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và tiếp tục thúc đẩy họp bàn, thống nhất để ký kết thêm các quy chế phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan khác.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ để chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của tổ chức, cá nhân trong lực lượng Quản lý thị trường, kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích.