Quản lý tài sản công: Hướng tới chuyên nghiệp
Ảnh minh họa |
Thực tế, tài sản nhà nước tại Việt Nam có quy mô rất lớn, là cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội.
Tầm quan trọng của việc quản lý và khai thác có hiệu quả tài sản nhà nước đã rõ nhưng theo các chuyên gia, ở Việt Nam, hoạt động này bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Ví dụ điển hình: Ở các quốc gia, thông thường tài sản nhà nước được đánh giá gấp 4 lần GDP. Tại Việt Nam, hiện các cơ quan quản lý không đưa ra được một số liệu thống nhất về tài sản nhà nước. Có nhiều người ước lượng, tổng giá trị tài sản nhà nước có thể lên đến vài trăm tỷ USD. Còn theo số liệu được ông Thắng cập nhật, 4 loại tài sản nhà nước theo quy định hiện hành (nhà, đất, máy móc, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên) có tổng giá trị khoảng 1.040.000 tỷ đồng (gần 50 tỷ USD), chưa bao gồm nhóm tài sản hạ tầng, công trình cấp nước sạch...
Một chỉ dấu khác cho thấy yếu tố thiếu chuyên nghiệp là tình trạng thiếu nghiêm túc trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, xử lý vi phạm chưa nghiêm. Để bịt được lỗ hổng đó, dự thảo Luật có những điều khoản rất chặt chẽ về xử lý vi phạm, quy định cụ thể về việc phải bồi hoàn, người có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Đáng chú ý, thời gian tới, tài sản nhà nước sẽ được cập nhật, tạo cơ sở dữ liệu chuẩn. Ví dụ, riêng về hạ tầng, danh mục có khoảng 39.962 tuyến đường với tổng nguyên giá là 1.831.000 tỷ đồng. Các tài sản quốc gia do các bộ ngành quản lý sẽ được tích hợp, tính toán nhằm đưa ra biện pháp quản lý, khai thác phù hợp, hiệu quả nhất...
Dự kiến, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội để xin ý kiến vào tháng 10/2016, đến tháng 5/2017 sẽ được thông qua.
Dĩ nhiên, Luật là cơ sở pháp lý quan trọng, nhưng để Luật đi vào thực tiễn cuộc sống còn quan trọng hơn, tất cả nhằm xóa bỏ tình trạng “cha chung không ai khóc” hoặc “tiêu tiền chùa”, tập trung một nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế- xã hội.
4 loại tài sản nhà nước theo quy định hiện hành (nhà, đất, máy móc, tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên) có tổng giá trị khoảng 1.040.000 tỷ đồng (gần 50 tỷ USD), chưa bao gồm nhóm tài sản hạ tầng, công trình cấp nước sạch... |