Quân đội sẵn sàng ứng phó bão số 3 - Yagi
Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam vừa có Công điện chỉ đạo ứng phó Bão số 3 (Yagi).
Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) vừa có Công điện gửi các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân; Bộ tư lệnh: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 12, 3, 4; Binh chủng: Pháo binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, Công binh, Thông tin liên lạc, Hóa học; Binh đoàn: 11, 12, 15, 16, 18 chỉ đạo ứng phó bão và mưa lũ do bão gây ra.
Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam vừa có Công điện chỉ đạo ứng phó Bão số 3 (Yagi). Ảnh minh hoạ |
Theo đó, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão trên Biển Đông và mưa lớn có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp, khu đô thị tại vùng núi phía Bắc, khu vực Nam bộ và Tây Nguyên, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đề nghị các đơn vị quân đội thực hiện một số nội dung sau:
Duy trì nghiêm chế độ trực, theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn.
Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động ứng phó; chủ động điều động lực lượng, phương tiện, di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ tư lệnh Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố (quận, huyện) nắm chắc tình hình di chuyển của bão Yagi, mưa lớn khu vực Nam bộ và Tây Nguyên.
Rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống; bảo đảm an toàn tuyệt đối lực lượng, phương tiện khi đi làm nhiệm vụ.
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão Yagi để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của Bộ Quốc phòng.
Bộ tư lệnh các Quân đoàn, Binh chủng, Binh đoàn có biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.
Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để giúp Bộ theo dõi, chỉ đạo.
Bộ tư lệnh Quân khu 4 yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực; thường xuyên cập nhật diễn biến bão Yagi và tình hình mưa lũ trên địa bàn; chủ động rà soát, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch ứng phó với bão và mưa, lũ, sạt lở đất... sát tình hình thực tế, địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ công tác bảo đảm, kịp thời cơ động ứng phó các tình huống.
Các cơ quan, đơn vị kiểm tra hệ thống nhà ở, nhà làm việc, nhà kho, trạm, xưởng và các công trình liên quan của cơ quan, đơn vị.
Các đơn vị đóng quân ở các khu vực có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất, đá, thường xuyên kiểm tra nắm chắc tình hình, sẵn sàng di chuyển đơn vị ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho doanh trại, kho tàng, trang bị, kỹ thuật, công trình chiến đấu và các hoạt động của bộ đội, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.
Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển để nắm tình hình tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi, thông báo cho các chủ phương tiện trên biển biết vị trí, diễn biến, hướng đi của bão, để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm.
Phối hợp tham mưu quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi, giữ vững thông tin liên lạc với các phương tiện đang hoạt động trên biển; tăng cường kiểm tra, rà soát các phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên các đảo, ven biển; lao động trên lồng bè, các khu nuôi trồng thủy sản, các khu ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống.