QLTT Hà Nội: Tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm
Xử lý hơn 3.700 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Ông Trần Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội – cho biết, trong 11 tháng năm 2021, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cơ bản đã được các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá… vẫn còn xảy ra.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội tịch thu hàng hóa vi phạm |
Đặc biệt, do tình hình đại dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Tính từ ngày 15/12/2020 - 12/11/2021, lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 3.783 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý 3.757 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 39,146 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu, buộc tiêu hủy 124,139 tỷ đồng…
Điển hình, ngày 29/9/2021, Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp với Công an quận Thanh Xuân tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh mỹ phẩm tại số 10B ngõ 126 phố Hoàng Văn Thái, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội do ông Phạm Quốc Hưng là chủ kinh doanh. Qua kiểm tra và làm việc, Đoàn kiểm tra xác định ông Phạm Quốc Hưng có các hành vi: Buôn bán hàng giả là 566 chai sữa tắm nước hoa sen Tesori Ə' Oriente 500ml, trị giá hàng hóa: 141.500.000 đồng; kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, trị giá hàng hóa: 2.441.312.000 đồng. Kết quả, ngày 8/10/2021, Đội Quản lý thị trường số 12 đã chuyển hồ sơ vụ việc và toàn bộ tang vật vi phạm cho Công an quận Thanh Xuân tiếp nhận để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 28/9/2021, Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Thanh Xuân và Công an phường Khương Mai tiến hành khám phương tiện vận tải là xe mô tô 02 bánh nhãn hiệu Honda Wave, biển kiểm soát số 29X7-548.04 đang dừng đỗ tại trước số nhà 10B ngõ 126 đường Hoàng Văn Thái, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội do ông Trương Quang Tùng là người điều khiển đang vận chuyển hàng hoá. Qua kiểm tra và làm việc, Đoàn kiểm tra xác định ông Trương Quang Tùng vận chuyển hàng hoá là 120 chai sữa tắm nước hoa hoa sen Tesori Ә O’riente 500ml đã được Công ty TNHH SX và DVTM BNB nhập khẩu độc quyền xác định là hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá. Trị giá hàng hoá giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: 30.000.000 đồng. Kết quả, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngày 12/10/2021 Đội Quản lý thị trường số 12 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an quận Thanh Xuân để tiếp tục điều tra theo quy định pháp luật.
Ngày 01/9/2021, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Đội 5, Phòng cảnh sát môi trường – Công an thành phố Hà Nội tiến hành khám xe máy Honda lead, BKS: 29M1 – 729.13. Qua kiểm tra và làm việc, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 265 hộp thuốc phòng, chữa Covid-19 do bà Phương Thúy Hường là chủ sở hữu, có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có số đăng ký, trị giá hàng hóa vi phạm: 202.800.000 đồng.
Kết quả, ngày 19/10/2021 Đội Quản lý thị trường số 7 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc, tang vật, phương tiện và giấy tờ liên quan sang cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an huyện Thanh Trì để tiếp tục điều tra theo quy định pháp luật.
Tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cuối năm 2021 có chiều hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là thời điểm trước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, sẽ là nguy cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội xác định, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND TP. Hà Nội trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Lãnh đạo Cục tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch (khẩu trang, kit test nhanh Covid-19, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế...).
“Tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo. Chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã, các ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh... tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có việc quét mã QR code tại các điểm bán hàng”- ông Trần Việt Hùng nhấn mạnh thêm.
Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.
Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi đầu cơ, găm hàng, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm … dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Đơn vị cũng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, không sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, từ đó phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống vấn nạn này