PV Trans được dự báo có nhiều triển vọng sau khi mở rộng đội tàu mạnh mẽ
Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans – MCK: PVT) có chiến lược mở rộng đội tàu từ năm 2023 và duy trì đến nay, điều này giúp doanh nghiệp tăng triển vọng kinh doanh trong các năm tới.
Lợi nhuận của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí được dự báo lạc quan, nhiều triển vọng trong năm 2024 và 2025 |
Tính riêng quý III/2024, PV Trans ước đạt 2.576 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 348 tỷ đồng; tăng gần 1% về doanh thu. Trong 9 tháng đầu năm, PVT ước tính doanh thu đạt 8.100 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ còn lợi nhuận trước thuế đi ngang, ước đạt 1.200 tỷ đồng.
Thị trường tàu chở dầu được dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2025. Trong 9 tháng năm 2024, giá cước tàu chở dầu Aframax (mức chuẩn cho giá cước tàu chở dầu thô) và tàu tầm trung (mức chuẩn cho tàu chở dầu sản phẩm/hóa chất) tăng 8% và 9% so với cùng kỳ.
BIMCO/Clarksons dự báo nhu cầu tấn - dặm tăng trưởng 3% so với cùng kỳ đối với dầu thô và 2% đối với sản phẩm dầu vào năm 2025, với giả định căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt năm 2025. Clarksons cũng dự báo giá cước tàu chở hóa chất sẽ tăng lần lượt 7%, 2%, 2% trong năm 2024, 2025, 2026.
Trước bối cảnh đó, PV Trans tiếp tục mở rộng công suất đội tàu trong năm 2024 là động thái nắm bắt cơ hội. Vào tháng 10/2024 vừa qua, PVT đã thành công mua 2 tàu chở sản phẩm dầu là PVT Valencia và Pacific Pride (sở hữu 65% thông qua công ty con là PV Trans Pacific JSC).
Từ những diến biến trên, Chứng khoán Vietcap nâng giá mục tiêu cho PVT thêm 10,4% lên 37.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua vào. Công ty chứng khoán này cũng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số PV Trans giai đoạn 2024 - 2028 thêm 6,9% và duy trì đà tăng trưởng đến năm 2028, dưới tác động tích cực của việc cập nhật mô hình định giá sang cuối năm 2025.
Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi của PV Trans năm 2025 dự báo sẽ tăng 36% so với cùng kỳ do công suất đội tàu chở dầu tăng khoảng 18% trong năm 2024, giá cước vận chuyển dầu thô và hóa chất ở quốc tế của công ty tăng 2% và chi phí tài chính giảm 16%.
Tăng trưởng kép của PV Trans được thúc đẩy bởi nhu cầu tấn - dặm toàn cầu tăng, giá cước vận tải tàu chở dầu tăng nhẹ so với mức nền cao của giai đoạn 2022 - 2023 và mở rộng đội tàu mạnh mẽ, thúc đẩy sản lượng vận chuyển trên tất cả các phân khúc.
Kể từ năm 2022, xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra sự thay đổi cơ cấu trong các tuyến đường vận chuyển dầu thô, sản phẩm dầu, hóa chất, LPG và than, từ đó thúc đẩy nhu cầu tấn - dặm do khoảng cách di chuyển dài hơn. Theo Clarksons, nhu cầu thương mại dầu thô tăng 8% vào năm 2022 sau khi giảm 1% - 7% trong năm 2020-2021.
Sau khi phục hồi mạnh 9% vào năm 2021, nhu cầu thương mại các sản phẩm dầu đã tăng 5% vào năm 2022. Trong khi đó, nguồn cung tàu chở dầu thô và sản phẩm dầu chỉ tăng trưởng hạn chế ở mức 2% - 4%, dẫn đến khoảng cách cung cầu cao hơn, từ đó hỗ trợ giá cước tàu chở dầu cao hơn.
Như vậy, triển vọng năm 2024 của PV Trans có thể nhìn thấy từ việc nắm bắt cơ hội, mở rộng đội tàu từ năm 2023, cùng với đó, giá cước thuê tàu chở dầu cao hơn so với cùng kỳ dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Trong 9 tháng đầu năm, công ty thành viên của PV Trans là Công ty Cổ phần Vận tải và Tiếp vận Phương Đông Việt (PVT Logistics, MCK: PDV) đã ghi nhận doanh thu đạt gần 1.025 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 223 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm trước, gấp 2,8 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm đã đề ra.
Ngay sau khi thắng lớn kết quả kinh doanh, PVT Logistics đã nộp hồ sơ lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đăng ký niêm yết cổ phiếu lần đầu của PDV. Công ty dự kiến niêm yết gần 66,1 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ gần 661 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu PDV đang giao dịch trên sàn UPCoM, đóng cửa phiên 22/11 ở mức 16.100 đồng/cổ phiếu.
PVT Logistics hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải xăng dầu, hóa chất, dầu thực vật; dịch vụ hàng hải và logistics; quản lý tàu và cung ứng thuyền viên. Đội tàu của công ty hiện hoạt động tại các bến cảng lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Trung Đông.