Pleiku phát hiện hàng loạt vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai
Người dân tự ý xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại xã Chư Á. Ảnh: THANH TUẤN |
Trong thời gian sốt đất diễn ra từ năm 2022 đến tháng 3.2023, TP. Pleiku là địa bàn nóng bỏng, diễn ra nhiều vụ phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Trước làn sóng sốt đất, người dân sẵn sàng phá rẫy cà phê, hồ tiêu để bán lại cho các “đầu nậu” phân lô bán nền, kiếm lợi nhuận. Nhiều lô đất nông nghiệp không nằm trong quy hoạch chuyển đổi mục đích sang đất ở cũng được “cò đất” thổi giá, quảng cáo, rao bán rầm rộ trên mạng.
Theo UBND TP. Pleiku, từ năm 2020 đến tháng 6.2023, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 58 vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trong đó có 1 vụ vượt thẩm quyền đã chuyển UBND tỉnh Gia Lai xử lý. Còn lại 57 trường hợp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền cấp thành phố 33 vụ, cấp xã, phường 24 vụ với tổng số tiền 550 triệu đồng.
Để mạnh tay hơn với vi phạm về đất đai, cuối tháng 8.2023, Thành ủy Pleiku đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã đối với ông Trần Ngọc Thanh, cựu Chủ tịch UBND xã Gào. Ông Thanh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, để người dân xây nhà và công trình trên đất nông nghiệp.
Đặc biệt, việc để xảy ra sai phạm diễn ra nhiều lần và trong thời gian kéo dài nhưng ông Thanh thiếu kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thuộc quyền, giao việc nhưng không đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện.
UBND TP. Pleiku cũng yêu cầu UBND phường Chi Lăng báo cáo, kiểm điểm khi để người dân tự ý làm đường bêtông trên đất rẫy cà phê. Việc tự ý làm đường bêtông, cơi nới rộng đường nhằm dễ dàng cho việc bán đất nền.
Hệ lụy phân lô bán nền trên đất nông nghiệp
Thực tế, một số tổ chức, cá nhân dưới danh nghĩa là môi giới bất động sản đã huy động vốn để thu gom đất nông nghiệp số lượng lớn. Các đối tượng này lợi dụng chính sách, kẽ hở của pháp luật, tự san ủi mở đường giao thông, sau đó chia tách đất thành các thửa nhỏ để chuyển nhượng...
Về hệ lụy lâu dài, địa phương sẽ cạn kiệt quỹ đất, từ đó khó kêu gọi thu hút đầu tư, nhất là đầu tư quy mô lớn. Người nông dân mất đất dẫn tới nguồn thu nhập trực tiếp từ sản xuất thiếu bền vững trong tương lai gần. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng do giá đất tăng cao...
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, cư trú tại tổ 7, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku nộp đơn ra toà án khởi kiện UBND TP. Pleiku về quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trước đó, ông Khanh xây dựng khuôn viên biệt phủ nằm giữa đồng lúa và rẫy cà phê của người dân làng Do Quăh, xã Chư Á, cách đường Nguyễn Bá Lại khoảng 50m.
Để vào khu vực này, ông Khanh đã thuê người tự đổ bêtông làm đường. Bên trong làm nhà gỗ, nhà bát giác, tiểu cảnh, cây xanh… nhìn ra quang cảnh cánh đồng lúa. UBND TP. Pleiku đã ra quyết định cưỡng chế và xử phạt hành chính ông Khanh với hành vi tự ý chuyển đổi từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp. Không đồng tình, ông Khanh nộp đơn khởi kiện UBND TP. Pleiku.
Thanh tra TP. Pleiku cũng phát hiện rất nhiều nhà hàng “khủng”, rộng lớn xây trên đất nông nghiệp, đất lúa, đất thuộc quy hoạch sông suối.
Tất cả những nhà hàng, quán nhậu này chủ yếu nằm trên địa bàn phường Ia Kring (TP Pleiku). Đơn cử như quán Bê Thui Bồng Lai (cuối đường Nguyễn Đường); Công trình nhà hàng Câu cá Bảo Hân của ông Tống Nhật (trú tổ 8, phường Ia Kring); Quán nhậu Hoàng Trúc có 1.442m2 đất trồng cây lâu năm, do ông Hoàng Dinh (trú tổ 10, phường Ia Kring) làm chủ đất.
Việc tự ý xây dựng trái phép đang làm phá vỡ quy hoạch đô thị, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Nguyễn Hoàng Quang Minh - Chủ tịch UBND phường Ia Kring, TP. Pleiku - cho biết: “Tinh thần là công trình nào vi phạm, không phù hợp với quy hoạch thì vận động người dân di dời, tháo dỡ”. |