Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và Uỷ ban quản lý vốn để không thiếu điện
Nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, đòi hỏi nhu cầu điện năng rất lớn. Trong khi đó, ngành điện đang đối diện hàng loạt khó khăn do thiếu điện, thiếu nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, chủ trương xã hội hóa khâu truyền tải điện bị vướng cơ chế vốn và giá…
Với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhiều hoạt động liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thông qua Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023 trực tuyến với địa phương. Trong tâm của Nghị quyết là Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Cụ thể, Chính phủ đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp “Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu điện cục bộ ở miền Bắc và nghiên cứu, đàm phán có kết quả đối với các dự án, phần dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, góp phần xử lý tình trạng thiếu điện”.
Sở dĩ Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp “Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam…” là theo Nghị định 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này là “đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên”.
Trước đó, trong nhiều cuộc họp, bàn giải pháp gỡ khó cho ngành điện, Ủy ban luôn khẳng định sẽ cùng đồng hành cùng với EVNvà hỗ trợ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các giải pháp cân bằng tài chính; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai có hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và giai đoạn 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tái cơ cấu EVN giai đoạn 2021-2025…
Tại cuộc họp với các bộ, ngành, cho ý kiến vào Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì mới đây, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN căn cứ Quyết định 360/QĐ-TTg, các nghị quyết của Chính phủ để xây dựng mục tiêu, nội dung của đề án. Mục tiêu là phải đưa EVN trở thành tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, đáp ứng nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế và nhu cầu của người dân, hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn. Tập đoàn phải kinh doanh hiệu quả, bền vững, bảo toàn và phát triển nguồn vốn.
Nghị định 131 giao Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có 3 trách nhiệm chính: “Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban”; “Xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hoạt động dài hạn, 05 năm và hằng năm của Ủy ban”; và “Tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Uỷ ban còn có quyền hạn: “Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập”.
Về phân định chức năng, nếu Bộ Công Thươnglà cơ quan ban hành chính sách, quy hoạch và chiến lược phát triển năng lượng cho quốc gia thì Uỷ ban quản lý vốn tại doanh nghiệp là cơ quan chỉ đạo trực tiếp hoạt động của EVN”. Hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau.
Với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước, nhiều hoạt động liên quan đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thông qua Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 27/6/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng năm 2022 và tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của EVN. Sau cuộc họp, ngày 9/7/2022, Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 200/TB-VPCP ngày 09/07/2022 Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Trong Thông báo 200, Thủ tướng nhấn mạnh “Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành điện nói chung và các dự án trọng điểm của EVN là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển của ngành điện nói riêng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cho phát triển kinh tế chung của đất nước”.
Đồng thời giao cho “Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương xem xét, giải quyết các kiến nghị cụ thể của EVN theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, không để ách tắc do các thủ tục làm chậm tiến độ triển khai các dự án”.
Tiếp đó, ngày 19/5/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 185/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023.
Thông báo nêu rõ, ngày 18/5/2023, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã chủ trì cuộc họp về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch, tổng giám đốc các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng đủ điện, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mang tính ngắn hạn, cục bộ đến ngày 25/5/2023.
Ngày 6/6/2023, Thủ tướng ban hành công điện số 517/CĐ-TTg, yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp chặt chẽ, hiệu quả thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tiếp theo; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. |