Trong khuôn khổ chuyến công tác tại châu Âu, ngày 30/9 (giờ địa phương), đoàn đại biểu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển. Bà Emma Broms - Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á (Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển) tiếp và làm việc với đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Emma Broms - Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á (Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển) - cho biết: Việt Nam và Thụy Điển đã có 55 năm quan hệ ngoại giao vững chắc, được đánh dấu bởi sự hợp tác kinh tế đáng kể. Trong những năm qua, sự hợp tác giữa hai nước đã được chứng minh là rất hiệu quả, thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển lẫn nhau.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển. Ảnh: Nhật Quang |
Trong những năm qua, các công ty Thụy Điển đã hoạt động tích cực tại Việt Nam, đóng góp vào nhiều lĩnh vực sản xuất, công nghệ và phát triển bền vững. Quan hệ đối tác này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư mà còn khuyến khích sự trao đổi kiến thức và đổi mới sáng tạo. Hiệu quả của sự hợp tác này được thể hiện rõ qua sự gia tăng ổn định trong thương mại song phương và đầu tư vào cả hai nước.
Về đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam, tổng số dự án FDI từ Thụy Điển đã tăng lên trong năm 2023, với 6 giấy phép đầu tư mới cùng với 10 dự án khác về bổ sung đầu tư, đóng góp vốn và mua cổ phần. Các công ty trong ngành công nghiệp xanh đang xúc tiến các cơ hội đầu tư vào Việt Nam, củng cố thêm mối quan hệ đối tác năng động Việt Nam – Thụy Điển.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/01/1969). Hơn 55 năm qua, hai nước đã tích cực xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực: ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân…
Về thương mại, năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 1,288 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 946,1 triệu USD và nhập khẩu đạt 341,9 triệu USD. Mặc dù nổi tiếng về phát triển các ngành công nghệ cao như điện tử, điện gia dụng, tin học nhưng Thụy Điển đang nhập khẩu gần như toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ cuộc sống hàng ngày (may mặc, giày dép, cà phê…), đây là các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam.
Về đầu tư, Thụy Điển xếp hạng thứ 29 trong số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 109 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư hơn 733 triệu USD. Hiện đang có hơn 70 công ty Thụy Điển có văn phòng tại Việt Nam và hiện đang tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin và viễn thông, điện lực, máy móc cơ khí, công nghiệp ô tô và khai khoáng, hàng điện tử gia dụng, công nghiệp bao bì, kinh doanh bán lẻ…
Thụy Điển nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu đối với Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa hai bên càng được củng cố hơn nữa bởi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020. Mặc dù đối mặt với những thách thức của đại dịch Covid-19, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai bên vẫn không bị gián đoạn và tiếp tục phát triển trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, thành tựu hợp tác kinh tế giữa hai nước không thể không nhắc đến vai trò của Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển, cơ quan thuộc Chính phủ đại diện, kết nối các hoạt động thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Điển với nước ngoài; với 44 văn phòng tại các khu vực và hơn 500 nhân viên trên toàn cầu cùng hệ thống các doanh nghiệp thành viên trong nhiều lĩnh vực; trong đó hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực những năm gần đây.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh, đến năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản khoảng 150 tỷ USD, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Về kết quả, năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt khoảng 53,45 tỷ USD, tổng tài sản hợp nhất khoảng 112 tỷ USD. Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản.... Trong năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đạt khoảng 51,62 tỷ USD; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2,42 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước khoảng 3,6 tỷ USD.
“Đoàn đại biểu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp công tác tại Thụy Điển bao gồm 4 doanh nghiệp trong các lĩnh vực: viễn thông, công nghệ thông tin, lĩnh vực hàng không và hàng hải rất mong muốn có được cơ hội giao lưu, hợp tác với các doanh nghiệp lớn Thụy Điển ngày hôm nay. Tôi nhận thấy, doanh nghiệp hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, phát triển và hi vọng buổi làm việc ngày hôm nay chỉ là bước khởi đầu để khai phá tiềm năng đó” - Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định.
Tại buổi làm việc, đại biểu đã tích cực trao đổi, đề xuất các khả năng hợp tác giữa hai bên và có phiên thảo luận riêng về lĩnh vực hàng không giữa ACV, Vietnam Airlines và các doanh nghiệp đối tác bên phía Thụy Điển.