Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Điều quan trọng là chúng ta đã đi đúng hướng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trước Quốc hội |
Sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mục tiêu của Việt Nam là tăng trưởng kinh tế, phát triển nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu. Mặt khác, chúng ta vẫn phải phát triển bền vững. Nói cách khác là vừa phải phát triển nhanh, bền vững, vừa phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có nhiều chương trình hành động, bền bỉ. Qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ, phát biểu của nhiều đại biểu cũng ghi nhận 3 năm qua đã có những chuyển biến tích cực và rõ rệt, đi đúng hướng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.
Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng không chỉ dựa vào đầu tư và xuất khẩu mà chú trọng phát triển đầu tư trong nước. Trong 3 năm qua, tổng kim ngạch bán lẻ hàng hoá đều tăng trên 10%, năm 2018, tốc độ tăng thị trường trong nước tương đương tăng xuất khẩu, khoảng 11,2%.
Năng suất lao động gia tăng, Việt Nam là nước có tốc độ tăng năng suất cao nhất trong khu vực vượt mục tiêu nhiệm kỳ này là 5%. Tuy nhiên, năng suất lao động tuy tăng nhưng chủ yếu do vốn và do đóng góp đầu tư, một phần phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh công nghệ 4.0.
Sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên, 3 năm liền có thứ hạng cao trong các diễn đàn đầu tư cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hiện nay chúng ta đã có dự trữ ngoại hối kỷ lục, trên 60 tỉ USD. Trong thời gian vừa rồi chúng ta kiểm soát tốt lạm phát ở mức 4%; giữ được mặt bằng lãi suất và giảm được lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Điều hành tỉ giá theo nguyên tắc thị trường có tính chất thận trọng hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không củng cố thì thiếu bền vững. Chất lượng thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực đang còn nhiều hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm so với chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục đầu tư xuất khẩu bên cạnh đẩy mạnh thị trường trong nước để cho kinh tế tư nhân ngày càng là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút chọn lọc hơn dự án FDI theo hướng thân thiện môi trường, quản trị tốt, sẵn sàng kết nối các doanh nghiệp trong nước.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế nước ta có độ mở lớn, đến nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã bằng 1,9 - 2 lần GDP, trong khi đó kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt việc bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, tỉ giá, giá dầu thô không ổn định
Chính phủ luôn nhất quán với chính sách ổn định giá trị đồng tiền
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ luôn coi kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô hàng đầu, đảm bảo cân đối nền kinh tế.
Trước băn khoăn về tỉ lệ lạm phát và nguy cơ phá giá đồng tiền khi hỗ trợ xuất khẩu, Phó Thủ tướng chỉ rõ: Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Chưa bao giờ và không bao giờ phá giá đồng tiền hỗ trợ xuất khẩu, cũng không có động thái nào trong việc nới lỏng kiểm soát lạm phát.
Trước đó, ông Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình băn khoăn: Tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu, kiềm chế lạm phát dưới 4%. Với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát khoảng 4% thay cho dưới 4% trong năm 2019 thì tôi không rõ. “Tôi cho rằng việc chuyển từ mục tiêu cứng rõ ràng dưới 4% sang một mục tiêu mềm có phần mơ hồ hơn, khoảng 4% là một bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả sẽ khó lường”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Liên quan đến vấn này, một lần nữa Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trong điều hành, Chính phủ và Thủ tướng điều hành chặt chẽ, kiểm soát lạm phát dưới mức 4%.
Về tình trạng nợ xấu, hiện đã giảm mạnh về nợ xấu. Toàn hệ thống từ 10 xuống 8% năm 2016, bây giờ còn 6,7%. %. Trong bảng cân đối kế toán chỉ còn khoảng 2%. Riêng với nợ quốc gia, một số đại biểu băn khoăn nợ nước ngoài của quốc gia tăng sát trần. Theo Phó Thủ tướng, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ doanh nghiệp và nợ Chính phủ. Nợ nước ngoài của Chính phủ chúng ta đã giảm 60% trước đây xuống 40% trong cơ cấu nợ. “Chúng tôi hứa với Quốc hội kiểm soát chặt cái này. Đặc biệt khi tỷ giá tăng, nợ tăng, nghĩa vụ trả nợ rất lớn”, Phó Thủ tướng cho biết.