Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Vùng đồng bằng sông Hồng bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính đất liền và không gian biển của TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng và 9 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Đây là vùng có phía bắc, đông bắc và phía tây, tây nam giáp vùng trung du và miền núi phía bắc, phía nam giáp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phía đông giáp Vịnh Bắc Bộ.
Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch về mặt không gian được mở rộng đến các khu vực có ảnh hưởng và tác động đến vùng đồng bằng sông Hồng về các mặt kinh tế, văn hóa-xã hội, môi trường, quốc phòng-an ninh, liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
Nội dung chính của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng.
Quy hoạch này cũng dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.
Ngoài ra, quy hoạch cũng xác định quan điểm và mục tiêu phát triển vùng; xây dựng phương hướng phát triển ngành có lợi thế của vùng; xây dựng phương án phát triển, sắp xếp, lựa chọn và phân bổ nguồn lực phát triển trên lãnh thổ vùng; phương hướng xây dựng, tổ chức không gian.
Mặt khác, quy hoạch sẽ xây dựng phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng vùng; xây dựng phương hướng bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng. Đồng thời, xây dựng phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng; xây dựng tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư; luận chứng danh mục dự án quan trọng của vùng, thứ tự ưu tiên và phân kỳ thực hiện các dự án; xác định các giải pháp và dự kiến nguồn lực thực hiện quy hoạch.