Phát triển thành phố thông minh: Xu hướng mới của nhà đầu tư
Phát triển thành phố thông minh là xu hướng của nhà đầu tư trong vòng 2-4 năm tới. Ảnh Internet |
Từ lý thuyết mơ hồ
“Thành phố thông minh” là khái niệm lâu đời tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Điển… Tuy nhiên, tại Việt Nam khái niệm này vẫn còn khá mơ hồ và chưa có một khái niệm chính xác, đầy đủ.
Tại tọa đàm “Thành phố thông minh và tầm nhìn tương lai" được tổ chức tại Hà Nội mới đây, các đại biểu cho rằng, “thành phố thông minh”, hay còn gọi là “Smart City” là sự áp dụng của tiến bộ khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động tại thành phố, tạo ra những tiện ích nhằm phục vụ đời sống cho con người, theo đó, tất cả những người sống trong thành phố đều được hưởng lợi.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn - Tập đoàn FPT: Phát triển các thành phố thông minh là xu hướng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể phối hợp với các tập đoàn tư nhân trong và ngoài nước để phát triển các thành phố thông minh. |
Điều đó có nghĩa, thành phố thông minh là một thành phố mà ở đó trí tuệ nhân tạo được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực từ quản trị kinh tế, quản trị tài chính đến sản xuất, chế tạo, năng lượng, giao thông, giáo dục đào tạo,… thậm chí cả những bãi đậu xe thông minh cũng được áp dụng, giúp người tham gia giao thông có thể tìm được cách đỗ xe phù hợp nhất, nhằm tạo thuận lợi cho họ trong quá trình di chuyển và tham gia giao thông tại thành phố. Trong thành phố thông minh sẽ tồn tại những cộng đồng thông minh, ngôi nhà thông minh mà ở đó các thiết bị trong ngôi nhà từ công tơ điện, đồng hồ nước, công tắc bóng đèn,… đều được áp dụng khoa học công nghệ để trở nên thông minh, cho phép người dùng có thể kiểm soát được mọi thứ một cách đơn giản, dễ dàng nhất.
Đến dự án tỷ đô
Sau hơn 20 năm (1994-2018) đặt chân đến thị trường Việt Nam, Tập đoàn AMATA (Thái Lan) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để có được giấy phép đầu tư dự án thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, theo đại diện tập đoàn này, dự án đã nhận được sự đồng thuận cao từ tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, ngành, chỉ còn chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ đi vào thực hiện.
Bà Somahatai Panichewa - Tổng giám đốc điều hành Công ty AMATA Việt Nam cho biết: Dự án có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD nhằm xây dựng khu công nghiệp, đô thị trên diện tích 714ha, giai đoạn 2 của dự án có tổng vốn đăng ký 1,45 tỷ USD. Trong giai đoạn 2, Tập đoàn AMATA dự định sẽ xây dựng 10 dự án thông minh, bao gồm: Năng lượng thông minh, sự di chuyển thông minh, môi trường thông minh, giáo dục thông minh, sản xuất chế tạo thông minh, thành phố không gian vũ trụ thông minh, sáng tạo thông minh, kinh tế thông minh, quản trị thông minh. Với dự án này, AMATA kỳ vọng sẽ biến Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đồng thời, tạo ra sự “bứt phá” cho Quảng Ninh về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Hoàng Thị Tư - Chuyên viên cao cấp, Hàm Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng: Việc nhà đầu tư Thái Lan đầu tư dự án thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để dự án này mang lại những hiệu quả nhất định cho nền kinh tế nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng cần có những nghiên cứu, học hỏi và áp dụng những mô hình thành phố thông minh trên thế giới, đồng thời cải biến cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.