Phải xây dựng xong quy chuẩn về đường bộ cao tốc trong tháng 10/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc và tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 10/2023 hoàn thành xây dựng, ban hành quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc theo thẩm quyền, làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối.
Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn về đường bộ cao tốc. Ảnh minh họa |
Quy chuẩn thiết kế này sẽ được dùng làm căn cứ trong việc xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm.
Quá trình xây dựng quy chuẩn cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học; tổng kết thực tiễn đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc thời gian qua và bảo đảm phù hợp với các điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Nội dung quy chuẩn cần quy định về số làn đường, mặt cắt ngang, dải phân cách, tốc độ thiết kế phù hợp, trạm dừng nghỉ...; nguyên tắc bố trí, tổ chức các nút giao cắt, đường gom hợp lý, khoa học, bảo đảm khai thác, vận hành đồng bộ, thuận lợi, an toàn, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, vùng miền, kết nối các khu vực, khai thác hiệu quả đầu tư của các tuyến đường cao tốc, tạo ra không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.
Về tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải với vai trò là cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường bộ cao tốc khẩn trương chỉ đạo rà soát và hướng dẫn các địa phương rà soát, tăng cường các giải pháp xử lý nền đất yếu tại các dự án, đặc biệt là các dự án tại khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình, nhất là thời gian gia tải phải phù hợp để kiểm soát được độ lún;
Có giải pháp tổ chức thi công khoa học, hợp lý để vừa bảo đảm được tiến độ chung của công trình, dự án, vừa bảo đảm thời gian, yêu cầu kỹ thuật xử lý nền đất yếu, tuyệt đối không để các sơ xuất về kỹ thuật, quy trình xử lý làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.
Về nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền cho các dự án hạ tầng: Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sử dụng cát biển cho đắp nền các dự án hạ tầng như đường bộ cao tốc, quốc lộ hoặc có thể san nền các khu công nghiệp, khu đô thị…
Mục đích là giúp giảm phụ thuộc vào nguồn cát sông, chủ động hơn về nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trong thời gian tới. Đồng thời, việc sử dụng cát biển phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…