Petrovietnam: Chuyển dịch mô hình kinh doanh đột phá vươn tầm khu vực
Doanh nghiệp nhà nước cần trợ lực để... vượt khó
Đánh giá về vai trò của doanh nhân đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, TS Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam chỉ ra, ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam - Người khẳng định: “Giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước”. Và cách đây tròn 20 năm, để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, ngày 20/9/2004, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”.
"Trong chặng đường phát triển, với những thành tựu mà cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được luôn có sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành của Đảng và Nhà nước" - TS Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại cuộc gặp mặt doanh nhân tiêu biểu của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ ngày 4/10/2024 |
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Thực tế cho thấy doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước hiện diện trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước đóng góp khoảng 28% thu doanh nghiệp nhà nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Cụm khí điện đạm Cà Mau |
Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến nhanh, phức tạp; tốc độ phát triển của khoa học, công nghệ; các biến động của thị trường ngày càng khó dự báo, xu hướng dịch chuyển năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... làm cho tất cả các thành phần kinh tế bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn.
Do đó, theo TS Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, chúng ta cần phải nhận diện rõ những rủi ro, thách thức; xác định mục tiêu mới, hoạch định chiến lược phát triển mới phù hợp để tiếp tục giữ vai trò trụ cột, là động lực cho phát triển đất nước. Đó là: (i) Thách thức về thị trường và công nghệ; (ii) về Quản trị doanh nghiệp; (iii) về Năng lực tài chính; (iv) Rủi ro thiên tai, dịch bệnh; (v) Rủi ro biến động lớn khi tham gia đầu tư những lĩnh vực mới để thích nghi với môi trường hiện nay cũng như tham gia đầu tư theo yêu cầu của Chính phủ...
Các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam |
Trước bối cảnh này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ chính nội tại doanh nghiệp và cùng với đó là sự hỗ trợ cũng như tạo cơ chế chính sách của Chính phủ cho doanh nghiệp nhà nước để có thể phát triển một cách ổn định và bền vững.
Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh đột phá
Với riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), Chủ tịch HĐTV Petrovietnam khẳng định, Petrovietnam là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình NOC và là một trong 6 tập đoàn kinh tế do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam; hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam rất hiệu quả và là doanh nghiệp nhà nước đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước (nộp ngân sách nhà nước 2021-2023) chiếm tỷ trọng bình quân 8,4%/năm tổng thu ngân sách cả nước).
Về nguồn lực của Petrovietnam hiện tại có tổng tài sản hợp nhất của Petrovietnam đến 31/12/2023 đạt trên 1,01 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 26,0% tổng tài sản của toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước (3,82 triệu tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 28,1% tổng tài sản của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước (3,51 triệu tỷ đồng).
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 |
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ hữu (ROE) Petrovietnam giai đoạn 2021- 2023 đạt 8,3%/ năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản (ROA) giai đoạn 2021- 2023 đạt 4,3%/ năm, cao hơn 0,3 điểm % so với các doanh nghiệp nhà nước (4,0%).
"Có thể thấy, nếu so với doanh nghiệp trong nước Petrovietnam lớn mạnh hàng đầu, tuy nhiên nếu so với khu vực và quốc tế còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, Petrovietnam cũng đang gặp những thách thức chung đến từ bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế. Trước xu thế này, đòi hỏi Petrovietnam cần chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để có thể bắt kịp các Tập đoàn cùng ngành trong khu vực" - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nói.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ |
Cũng theo lãnh đạo Petrovietnam, ngày 24/4/2024 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 76 mở ra không gian phát triển mới, cơ chế tạo nguồn lực để ngành dầu khí/Petrovietnam phát triển. Petrovietnam rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành để thể chế hóa thành các cơ chế chính sách cụ thể mà trước hết là cụ thể hóa trong Điều lệ và Quy chế tài chính của Petrovietnam.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Petrovietnam đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển hùng cường của đất nước" - TS Lê Mạnh Hùng nêu.
Petrovietnam cùng các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước luôn hiểu rằng, để đạt được những thành công ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của Lãnh đạo và tập thể người lao động tại doanh nghiệp; Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân đã luôn đồng hành và tạo những điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển.
Petrovietnam đang hướng tới trở thành Tập đoàn Công nghiệp - năng lượng quốc gia, giữ vai trò tiên phong phát triển các lĩnh vực về năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Để làm được điều đó, theo TS Lê Mạnh Hùng, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ngành nhằm thể chế hóa thành các cơ chế chính sách, đòi hỏi Petrovietnam cần chuyển dịch mô hình kinh doanh mạnh mẽ, đột phá hơn nữa để có thể bắt kịp các Tập đoàn cùng ngành trong khu vực, qua đó đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển hùng cường của đất nước.
Một số thành tựu nổi bật của Petrovietnam trong giai đoạn 2021-2023: Vốn Chủ sở hữu của Petrovietnam đến 31/12/2023 đạt trên 531,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ các DNNN (1,80 triệu tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 32,8% tổng vốn chủ sở hữu của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước (1,62 triệu tỷ đồng). Tổng doanh thu toàn Petrovietnam giai đoạn 2021- 2023 đạt trên 834 nghìn tỷ đồng/năm, tăng trưởng đạt 20,2%/năm, so với năm 2020 doanh thu năm 2023 toàn Petrovietnam tăng 66,6% (942,8/566,0 nghìn tỷ đồng), cao hơn 24,2 điểm % so với mức tăng của các DNNN (là 42,4%, 2,30 triệu tỷ đồng/1,62 triệu tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Petrovietnam giai đoạn 2021-2023 đạt trên 61,4 nghìn tỷ đồng/năm, tăng trưởng đạt 60,5%/năm, cao hơn 55,4 điểm % so với mức tăng của các DNNN (5,1%); so với năm 2021, lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tăng 9,1%. Nộp Ngân sách nhà nước toàn Petrovietnam giai đoạn 2021- 2023 đạt 145 nghìn tỷ đồng/năm, tăng trưởng đạt 25,2% năm, chiếm tỷ trọng 8,4%/năm tổng thu ngân sách cả nước (năm 2021 chiếm 7,1%; 2022 là 9,6% và 2023 là 8,7%). Tổng số lao động đến 30/6/2024 là: gần 54 nghìn người (trong đó: trình độ trên đại học >3.868 người; trình độ đại học >25.664 người). |