Thứ ba 26/11/2024 05:15

Ồ ạt trồng keo tự phát tại miền Trung: Nhà đầu tư nếm “trái đắng”

Dù keo đã đến kỳ khai thác, nhưng nhiều nông dân tại miền Trung phải “đấu tranh tư tưởng” là xuất bán hay tiếp tục “khoanh nuôi”, chờ giá “xanh” trở lại.
Nhiều rừng keo ở các tỉnh miền Trung đến kỳ khai thác đang “án binh bất động” vì bán sẽ… lỗ

Hàng ngàn héc-ta keo “quá tuổi” khai thác tiếp tục được “khoanh nuôi”

Sắp “giải phóng” được “khối tài sản đầu tư tích lũy” là những héc-ta keo trồng hơn 4 năm (tuổi có thể khai thác), nhưng nếu xuất bán vào thời điểm này, người nông dân ở miền Trung sẽ đi kèm với… khoản lỗ, nên họ đành phải tạm ngưng ý nghĩ này lại.

“Người dân khai thác rất nhỏ giọt, vì nếu tính chi phí cây giống, trồng và chăm sóc thì hòa vốn hoặc lỗ”, anh Nguyễn Dũng (xã Quế Long, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), một thương lái chuyên nhận mua keo tại rừng của người dân ở huyện Quế Sơn chia sẻ.

Trước đây, anh Dũng khá bận rộn với công việc này, nhưng nay, anh rảnh rỗi, có thời gian làm việc đồng áng, chăn nuôi. “Mua keo khối lượng lớn tại rừng rồi gọi nhân công khai thác là công việc chính của tôi, nhưng giờ keo rớt giá quá, bà con không muốn bán”, anh Dũng cho biết.

Theo anh Dũng, giá keo (nguyên cây) trước đây đỉnh điểm lên đến hơn 1,6 triệu đồng/tấn, nay chỉ còn hơn 1 triệu đồng/tấn. Như vậy, nếu bán 10 tấn keo đã lột vỏ, người dân có thể mất 5 - 6 triệu đồng. Điều oái ăm là, trong khi giá keo đến kỳ khai thác rớt giá thê thảm, thì giá keo giống lại tăng giá (gần 1.000 đồng/cây).

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sụt giảm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2/2023 vẫn giảm.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 982 triệu USD, giảm 47,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Với lợi thế về địa hình đồi núi, trong hơn 10 năm qua, tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum… tồn tại một thực tế đáng lo hơn là đáng mừng về loại cây lâm sinh này. Đó là diện tích trồng keo tăng chóng mặt, biến nhiều tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi… trở thành “cơn lốc” về chuyển đổi cây trồng.

Trong khi nương rẫy không thể tiếp tục mở rộng diện tích, thì nhiều mảnh vườn, thậm chí là đất trồng lúa cằn cỗi cũng được người dân chuyển sang trồng keo, khiến diện tích cây trồng này ngày càng “phình to”, “nuốt chửng” các loại cây trồng khác. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, diện tích trồng keo đã lên đến 198.000 ha.

Điều đáng lo ngại là, việc chuyển đổi này hoàn toàn tự phát và không được quy hoạch vùng trồng, cũng như ít được khuyến cáo hoặc ngăn chặn kịp thời từ các cấp chính quyền. Giờ đây, đi đâu ở miền Trung cũng thấy những khu rừng keo bao phủ.

Anh Nguyễn Bá Tùng, xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay, việc trồng lúa không mang lại hiệu quả, nên nhiều người dân chỉ xác định trồng lúa để ăn. Đó là chưa kể, giá vật tư nông nghiệp ngày càng cao, khiến người dân không còn mặn mà với cây lúa, mà chuyển qua các loại cây trồng khác. Và lựa chọn số 1 được cho là cây keo.

Viễn cảnh được cảnh báo trước

Trong cơn bão Noru vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022, hàng trăm héc-ta keo chưa đến kỳ khai thác ở các tỉnh miền Trung đổ la liệt, buộc các nhà đầu tư phải cắn răng bán tháo keo “non”. Thế nhưng sau đó, các “nhà đầu tư” lại tiếp tục đối mặt với thực cảnh “bão táp chưa qua, phong ba lại đến”. Từ đầu năm đến nay, giá keo liên tục “nhảy múa”, nhưng không theo “đồ thị hình sin”, mà theo đà đi xuống.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ tháng 3/2023, nhiều doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh, Bình Định), lượng tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu giảm dần.

Ông Trần Lâm Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Nguyệt Anh (chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu) cho biết, năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, Công ty ký được vài đơn hàng xuất khẩu dăm gỗ. Tuy nhiên, đến tháng 3, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. “Giá bán dăm gỗ giảm 12% so với trước đây. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi vẫn sản xuất cầm chừng, giờ chưa bán được hàng thì dự trữ để khi đối tác cần là mình có sẵn hàng để xuất. Duy trì sản xuất cũng là để giữ việc cho công nhân”, ông Huy chia sẻ.

Một số doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở Bình Định cũng cho biết, thị trường thường xuyên nhập khẩu dăm gỗ như Trung Quốc, Nhật Bản… đang có lượng hàng tồn kho quá nhiều, không còn nhu cầu nhập hàng, nên giá mua hàng giảm sâu. Trong khi xuất khẩu dăm gỗ ở Bình Định đang bế tắc, thì xuất khẩu viên nén ở tỉnh này vẫn cầm cự.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong 2 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng dăm gỗ, viên nén có mức tăng trưởng mạnh, với kim ngạch xuất khẩu đạt 42 triệu USD, tăng 65% so cùng kỳ năm ngoái. Bước sang tháng 3/2023, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ, viên nén bắt đầu ngừng sản xuất do không ký được đơn hàng mới, giá xuất khẩu đã giảm từ 180 USD/tấn khô còn 150-160 USD/tấn khô.

“Giá nguyên liệu gỗ rừng trồng ở Bình Định hạ nhiệt là do đơn hàng xuất khẩu kém. Nếu như cuối năm 2022, giá gỗ rừng trồng ở Bình Định còn ở mức 1,8 triệu đồng/tấn, thì hiện giá thu mua tại các nhà máy chỉ còn 1,2 triệu đồng/tấn, trở về mức giá của năm 2021. Nhưng các nhà máy cũng hạn chế mua số lượng lớn, chỉ mua cầm chừng để giữ mối hàng”, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho hay.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, thực tế trên kéo theo “hiệu ứng dây chuyền” là chủ rừng tại Bình Định “án binh bất động” chờ thời, vì khai thác thời điểm này thì chắc chắn sẽ thua lỗ. Đó là chưa kể, tiền bán gỗ nguyên liệu không đủ trả cho các công đoạn khai thác, lột vỏ, vận chuyển.

Giá thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng tại một số nhà máy ở miền Trung hiện nay là 1,2 triệu đồng/tấn, nhưng giá bán tại rừng được hầu hết thương lái thu mua với giá hơn 900.000 đồng/tấn. Điều này đồng nghĩa, sau khi trừ chi phí khai thác, lột vỏ và vận chuyển (chưa kể chi phí cây giống, chăm sóc, thục bì…), người trồng rừng chỉ còn cầm trong tay 550.000 đồng/tấn.

Một lãnh đạo xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) cho biết: “Địa phương có khoảng 300 ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là keo. Hiện giá gỗ nguyên liệu được thương lái thu mua với giá 900.000 đồng/tấn. Không chỉ gỗ nguyên liệu hạ giá thảm hại, mà còn có hiện tượng rừng trồng mới 2 - 3 năm đã bị bệnh chết hàng loạt, nông dân đang khốn đốn”.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội Viên nén thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài (TP. Quy Nhơn, Bình Định), viên nén sản xuất ở Bình Định hầu hết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Các đối tác Nhật Bản khi đã làm ăn với doanh nghiệp nào là ký hợp đồng dài hạn. Do đó, nếu giá viên nén trên thế giới tăng đột biến, doanh nghiệp không được hưởng lợi, vì không thể thay đổi giá. Thế nhưng, khi tình trạng xuất khẩu tắc như hiện nay, thì những doanh nghiệp chế biến viên nén đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác Nhật Bản cũng không lo bị đứt đơn hàng như các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ.

baodautu.vn
Bài viết cùng chủ đề: Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội và Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Đề án 06/CP

Quảng Bình: Xe tải chở 30 con bò lao xuống vực, tài xế tử vong

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực

Từ 1/1/2025: Bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ ngày giường bệnh như thế nào?

Lừa đảo trực tuyến diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng chính thức khởi công

Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’

Hà Nội: Cháy quán bar Titan tại quận Hoàn Kiếm, nhiều người chạy lên sân thượng lánh nạn

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự

Dự báo thời tiết biển hôm nay 25/11/2024: Có mưa dông và gió mạnh trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 25/11/2024: Mưa lớn cục bộ, lốc, sét gió giật mạnh từ Quảng Trị đến Phú Yên

Tối 24/11, xuất hiện khách hàng trúng độc đắc Vietlott có giá trị 'khủng'

Bắc Giang: Triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025

Công đoàn tham gia giám sát trả lương, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động

Hà Nội: Phấn đấu 100% siêu thị không sử dụng túi nilon khó phân hủy vào năm 2025

Cận cảnh cây cầu trị giá hơn 1.800 tỷ đồng sau một năm thi công

Hải Phòng: Cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng tại khu công nghiệp Tràng Duệ