“Núi rác” sau đêm nhạc Blackpink, đừng chỉ đổ lỗi cho giáo dục ý thức
“Núi rác” sau đêm nhạc Blackpink, đừng chỉ đổ lỗi cho giáo dục |
Nhóm nhạc Blackpink đến từ Hàn Quốc vừa có 02 đêm biểu diễn ngày 29 và 30/7, tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Dù giá vé khá “chát” lên tới 40 triệu đồng/cặp, nhưng với sự có mặt của nhóm nhạc này đã thu hút tới 67.000 lượt khán giả.
Hầu hết khán giả có mặt tại đêm nhạc là các bạn trẻ với trang phục bắt mắt, thậm chí bắt trước phong cách của nhóm nhạc thần tượng. Xen lẫn đó là hình ảnh chen lấn, ồn ào, cho thấy mức độ cuồng nhiệt của các bạn trẻ với Blackpink.
Việc này không phải là lạ, bởi ở Việt Nam văn hóa thần tượng rất phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là sự hâm mộ ngôi sao ca nhạc và điện ảnh nước ngoài nhất là Hàn Quốc. Họ có thể tác động rất mạnh đến hành vi, xu hướng và mua sắm của các bạn trẻ.
Điều đáng nói là sau hai đêm diễn của nhóm nhạc thần tượng, hiện tượng vứt rác bừa bãi, với khối lượng lớn của các bạn trẻ khiến dư luận bất bình. Việc này không những thể hiện kém ý thức của họ, mà còn gây ra ô nhiễm môi trường, làm Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế, ảnh hưởng tới việc quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch của đất nước.
Tuy nhiên, dường như những fan hâm mộ trẻ tuổi chỉ quan tâm đến việc được gặp, được nghe, được thấy thần tượng âm nhạc của mình trình diễn, được hòa mình trong không khí âm nhạc hiếm có mà quên đi những giá trị lớn đó.
Việc xả rác bừa bãi cũng không phải là hiếm sau những sự kiện thể thao, văn hóa nhiều năm qua ở Việt Nam, và đã được lên án rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thể thay đổi.
Nhiều quan điểm cho rằng hành động vứt rác bừa bãi, thành thói quen xấu là thiếu ý thức, thậm chí là sự thất bại của giáo dục từ gia đình, nhà trường đến xã hội, là sự thất bại của văn hóa.
Nói như vậy có thể hơi quá cho nền giáo dục, bởi những hành động vứt rác bừa bãi cũng xuất phát từ công tác tổ chức, quản lý sự kiện.
Đơn vị tổ chức sự kiện, với những quảng cáo, truyền thông rầm rộ, ấn tượng về nhóm nhạc Blackpink, dường như cũng họ chú trọng thu hút lượng khán giả đến xem, quan tâm đến lợi nhuận sau chương trình mà chưa quản lý tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
Biết rằng sau những sự kiện lớn là lượng rác thải được xả ra rất nhiều, trước, trong và sau sự kiện diễn ra Ban tổ chức cần phải có có những khuyến cáo để khán giả biết, và có ý thức hơn về giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng.
Không chỉ có vậy, hành vi vứt, thải, bỏ rác thải còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này.
Thậm chí, Khoản 1, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP còn quy định phạt cảnh cáo đối với hành vi không niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng.
Theo Khoản 5, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hoạt động quản lý công viên, khu vui chơi, giải trí, lễ hội, khu du lịch, khu vực công cộng khác nếu có một trong các hành vi: Không có đủ công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom chất thải đáp ứng yêu cầu giữ gìn vệ sinh môi trường theo quy định; Không thu gom chất thải trong phạm vi quản lý theo quy định; Không bố trí nhân lực thu gom chất thải, làm vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý; Không có cán bộ, tổ hoặc đội bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát theo quy định.
Như vậy, việc xả thải bừa bãi ra môi trường, đặc biệt là tại những sự kiện văn hóa, thể thao lớn không chỉ là câu chuyện ý thức của khán giả, người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ mà còn là câu chuyện của công tác quản lý của đơn vị tổ chức và của cơ quan quản lý nhà nước nói chung.