Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nằm sâu trong khu tập thể 16A Lý Nam Đế, Hà Nội, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương trong bộ quân phục Quân đội nhân dândường như trẻ hơn, sôi động hơn ở cái tuổi ngoại bách niên. Những hồi ức của bao nhiêu năm lăn lộn trên các chiến trường ác liệt nhất như khu 4, khu 5, Tây Nguyên, biên giới phía bắc rồi cả bên ngoài biên giới đất nước khi giúp bạn Lào tuôn chảy trong câu chuyện của vị tướng già.
Sắp sang tuổi 104 với hơn 80 năm tuổi Đảng, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương hiện là vị tướng cao tuổi nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam còn sống (vị tướng cao tuổi khác hiện còn sống là Đại tướng Nguyễn Quyết, sinh năm 1922). Ông bảo ông sinh năm con Gà, nghĩa là năm Tân Dậu 1921.
Những năm đầu đời tuổi thanh niên, tướng Huỳnh Đắc Hương đã nếm trải những thử thách khắc nghiệt khắp các trại giam, nhà tù khét tiếng của thực dân tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế. Chỉ 6 năm nhưng khoảng thời gian ấy đã đủ trui rèn và hun đúc bản lĩnh kiên cường trong con người một vị tướng tương lai.
Tháng 3/1945, ông cùng các bạn tù vượt ngục thành công và tham gia cướp chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, chính thức đứng vào hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Rồi mấy chục năm sau đó tham gia trên các chiến trường chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc với nhiều cương vị quan trọng. Cuộc đời binh nghiệp của ông có lối rẽ khi ông chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước khi nghỉ hưu vào năm 1987.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. Ảnh: Quang Lộc |
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ cống hiến, ông vẫn tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh Việt Nam, của Ban liên lạc toàn quốc chuyên gia và cựu binh Việt Nam tại Lào. Đặc biệt, trên cương vị Trưởng ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội, ông hầu như chưa khi nào vắng mặt trong các cuộc họp, sự kiện gặp gỡ. Mới đây nhất, ngày 12/12/2024 ông vẫn dự khai mạc trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò về các vị tướng tài năng đức độ của Quân đội mà ông là một trong 9 vị tướng được Ban quản lý Di tích chọn hình ảnh để trưng bày.
Dường như bao hồi ức trong ngần ấy năm tháng lăn lộn trên các chiến trường ác liệt, đầy sinh tử luôn là hành trang, là tài sản quý giá nhất của cuộc đời trên trăm tuổi của vị Thiếu tướng.
“Thế hệ chúng tôi đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh nên rất hiểu chiến tranh. Chúng tôi luôn khao khát những ngày được bình yên. Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng tôi hiểu rằng, dân tộc ta luôn khao khát hòa bình nhưng sẵn sàng gan góc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc. Dân tộc ta bị buộc phải cầm súng chứ không muốn có chiến tranh”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nói.
Nói về những bài học, những thông điệp từ cuộc đời binh nghiệp của mình cho hôm nay, vị tướng già khẳng định, đó là việc luôn cần kiên định với con đường mình đã chọn, bởi không có kiên định thì không thể mưu nghiệp lớn. Trên con đường mình đã chọn luôn cần đến sự tự lực và trí tuệ trong mọi không gian, mọi hoàn cảnh. Cần luôn đau đáu một câu hỏi lớn rằng ta đã làm được gì cho xã hội, cho mọi người chứ không thể chỉ là tồn tại trong một phiên bản cá nhân.
Nói về hạnh phúc được chứng kiến thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 8 thập kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, gương mặt vị tướng già bỗng như trẻ lại khi ông bảo, kinh nghiệm cuộc đời đã cho ông thấy, trong mọi hoàn cảnh của đất nước, nhất là với những thời khắc khó khăn nhất, hãy đặt niềm tin vào hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam để cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước.
Chia tay vị tướng già, chúng tôi thốt nhiên bỗng nhớ lại những câu thơ đầy hào sảng của bậc minh quân, cũng là thống lĩnh quân đội nước Đại Việt từng chiến thắng đội quân xâm lược Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông trong một ngày xuân trên 7 thế kỷ trước khi yết kiến lăng mộ vua cha:
“Bạch đầu quân sĩ tại,
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Trích bài thơ: Xuân nhật yết Chiêu lăng)
(Người lính già đầu bạc/Kể mãi chuyện Nguyên Phong).
Nguyên Phong là niên hiệu trị vì của vua Trần Thái Tông, vị vua tiền bối của vua Trần Nhân Tông. Những năm tháng đó, nước Đại Việt trên dưới một lòng, lập nên những võ công oanh liệt, đặc biệt là đả bại lần thứ nhất quân xâm lược Nguyên Mông.
Thời nào cũng vậy, đất nước Việt Nam luôn khao khát với hòa bình, nhưng khi giặc đến nhà, toàn dân sẽ là lính. Phải chăng đó là hằng số của lịch sử cần luôn được gìn giữ để trao truyền mãi mãi.
Và ở thời điểm Quân đội nhân dân Việt Nam tròn 80 năm, hằng số đó, chân lý đó lại càng thêm sáng ngời.