Ninh Thuận: Xử lý hơn 1.000 vụ hàng lậu, hàng giả trong năm 2022
Tình hình buôn lậu vẫn còn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Ninh Thuận (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Thuận), trong năm 2022, tình hình hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng hóa vi phạm các quy định về nhãn,… vẫn còn diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng so với năm 2021.
Các mặt hàng vi phạm chủ yếu như: Tthuốc lá điếu, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng,… Nguồn hàng chủ yếu được đối tượng đầu mối lấy từ các tỉnh thành phố phía Nam vận chuyển về địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiêu thụ, các đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi thời gian, địa điểm giao nhận hàng, cất giấu ở nhiều địa điểm khác nhau nhằm gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát tình hình thị trường. |
Cùng với đó, tình hình mua bán hàng hóa qua mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, hầu hết sử dụng hình thức vận chuyển trung gian và giao hàng tại nhà, nên các đối tượng đã lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng; bên cạnh đó việc không có kho hàng cố định, tập kết hàng cũng gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Đặc biệt, các đối tượng sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, tận dụng công nghệ để xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng internet; các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác, gây khó khăn trong việc xác minh thông tin, truy vết các đối tượng.
Trong năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương là thành viên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn; Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả để người tiêu dùng nhận biết và phòng ngừa; Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại,… thu giữ nhiều loại hàng hóa.
Qua đó, năm 2022, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.015 vụ việc vi phạm; Trong đó, khởi tố hình sự 09 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.004 vụ, thu nộp ngân sách hơn 27 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Thuận, công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo trong năm 2022 đã đạt được những kết quả tốt, được đánh giá cao. Nhất là công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực và các ngành chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh,….
Trong đó, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn; Lực lượng Quản lý thị trường đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát xử lý có hiệu quả đối với công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; công tác chống buôn lậu, kinh doanh trái phép,…Công tác quản lý, điều phối, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu được thực hiện tốt trong thời gian qua.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Thuận cho biết, bên cạnh các mặt đạt được, tình hình mua bán hàng hóa qua mạng xã hội diễn ra khá phổ biến, chưa được quản lý, kiểm soát hiệu quả, đây là môi trường thuận lợi cho các đối tượng đã lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho người tiêu dùng; Tình hình buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm; Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về xăng dầu nhập lậu, xăng dầu giả, kém chất lượng khi mà nguồn cung và giá cả chưa ổn định; Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đối tượng kinh doanh và nhân dân chưa thật sự hiệu quả từ đó dẫn đến nhận thức của một bộ phận nhân dân về hàng lậu, kém chất lượng, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,… chưa cao.
Do đó, trong năm 2023, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Thuận đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, giao Cục quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) tăng cường công tác quản lý thị trường, triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đối với các mặt hàng trọng điểm. Chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể về kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, gian lận về xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là gian lận xuất xứ Việt Nam; việc lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát tình hình thị trường. |
Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh Ninh Thuận nắm chắc tình hình, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm, lĩnh vực, hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; xây dựng các kế hoạch, phương án, tập trung điều tra, nắm tình hình nhằm phát hiện và triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm sản xuất, kinh doanh, tàng trữ hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, các loại văn hóa phẩm phản động, xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia,… Xác lập chuyên án điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án về buôn lậu, buôn bán hàng cấm đã, đang thụ lý đúng tiến độ, xử lý đúng theo quy định pháp luật nhằm răn đe, giáo dục các đối tượng khác.
Ngoài ra, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Ninh Thuận cũng yêu cầu ngành Công Thương và các ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ từng ngành xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, giải pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp các lực lượng chức kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả định kỳ theo quy định.