Những người trẻ bỏ phố về quê tìm đầu ra cho nông sản quê hương
Dự án chuối sấy Joy không chỉ giải bài toán đầu ra cho nông sản chuối tại nhiều huyện của Kon Tum, mà còn tạo ra một sản phẩm tiêu dùng chất lượng, giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương |
Rời giảng đường trở về quê tìm đầu ra cho nông sản
Rời bỏ vị trí là một giảng viên một trường đại học uy tín, từ chối lời mời làm việc của doanh nghiệp nước ngoài lớn, Nguyễn Thị Minh Ngọc (SN 1987) trở về quê hương Đăk Hà (Kon Tum) để làm nông dân trồng và thu mua chuối.
Ban đầu có ý định khởi nghiệp với dự án sản xuất phân vi sinh, nhưng qua tìm hiểu thấy thị trường dành cho loại phân vi sinh chưa được người nông dân chuộng, trong khi đó, Minh Ngọc thấy chuối người dân trồng rất nhiều, chuối Đăk Hà chín thơm, ngọt nhưng không ai thu mua, không bán được, người trồng phải bỏ đi hoặc cho bò, ngựa ăn.
“Nhà mình trong rẫy cũng có hơn 10 ha, trồng chuối đến khi chín mang về chỉ ăn 1 vài buồng rồi bỏ, rất lãng phí. Mình nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với chuối sấy”, Minh Ngọc cười và nói thêm: “Ban đầu mình tính làm nhỏ nhỏ thôi, nhưng đến khi đầu tư ra thì phải vay mượn khá nhiều. May mắn là đến giờ vẫn sống tốt”.
Thời gian đầu khởi nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn, Minh Ngọc phải tự mày mò nghiên cứu quy trình làm chuối sấy, xây dựng nhà xưởng. “Thậm chí, do không có kinh nghiệm gì nên trong quá trình xây dựng mình còn gặp trục trặc từ phía đối tác, đến khi mua sắm hệ thống máy móc, lắp đặt, vận hành cũng luôn có rắc rối phát sinh”, Minh Ngọc kể.
Vượt qua những khó khăn, nhà máy Apanax (đặt tại thôn Tân Lập B, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, Kon Tum) với dự án chuối sấy Joy 100% tự nhiên ra đời.
“Mình nhập chuối từ các hộ dân trồng chuối tại huyện Đăk Hà và một số huyện lân cận. Với hệ thống máy sấy chất lượng, có sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công Kon Tum, mỗi ngày, đơn vị có thể chế biến tới 2 tấn chuối tươi các loại”, Minh Ngọc cho hay.
Sản phẩm chuối sấy Joy đã có mặt ở nhiều kệ hành thực phẩm sạch ở nhiều địa phương trong cả nước, có mặt trong một số hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh |
Sản phẩm chuối Joy 100% tự nhiên được sản xuất theo tiêu chuẩn 3 không: Không thêm đường, không chất bảo quản và không màu-hương liệu nhân tạo. Sản phẩm cũng đã được cấp chứng nhận HACCP và ISO. Hiện sản phẩm chuối Joy đã có mặt ở hệ thống nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng OCOP (sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh).
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Minh Ngọc cho biết, hiện ngoài chuối sấy, đơn vị đang thí điểm sản xuất mít sấy. Để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, đơn vị liên kết với một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, để đảm bảo lượng mít nhập vào đạt chất lượng. Ngoài ra, Apanax cũng sẽ nghiên cứu thêm sản phẩm khoai lang sấy. “Mục tiêu của mình là sẽ giúp bà con nông dân có đầu ra cho nông sản ổn định với giá tốt. Cùng với đó, nâng tầm và làm gia tăng giá trị gia tăng của nông sản thông qua việc chế biến, cung cấp ra thị trường các thành phẩm là nông sản sấy khô nhưng vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng, mùi vị...”, Minh Ngọc nói.
Khát khao tạo lập chỗ đứng cho nông sản Kon Tum
Không chỉ Minh Ngọc, ngày càng nhiều người trẻ của Kon Tum chọn trở về quê hương để khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua sản xuất, chế biến, kinh doanh nông đặc sản.
Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trịnh Tuấn Kiệt (SN 1996, phường Thống Nhất, TP. Kon Tum) chọn trở về quê hương để khởi nghiệp với dự án Green Highland Coffee – cà phê sạch hương vị Tây Nguyên.
Tuấn Kiệt bên những sản phẩm cà phê Green Highland Coffee |
Để có đầu vào ổn định với nguyên liệu chất lượng, ngoài 10ha cà phê của gia đình, Kiệt tìm kiếm và liên kết với một hợp tác xã trồng cà phê theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Đăk Hà để thu mua trung bình khoảng 20 tấn cà phê nhân/năm. Sản phẩm của Green Highland Coffee gồm cà phê bột và cà phê hạt.
Bên cạnh đảm bảo chất lượng, Kiệt cũng chú trọng khâu xây dựng thương hiệu thông qua bao bì bắt mắt, thiết kế đậm chất xanh của Tây Nguyên.
Hiện, các dòng sản phẩm của Green Highland Coffee đang dần tiếp cận thị trường và nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Hai sản phẩm này cũng đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của Kon Tum năm 2020.
Ngoài sản xuất, chế biến cà phê, Kiệt và các cộng sự đang nghiên cứu để pha trộn cà phê với nhiều loại thức uống khác nhau để tạo thêm sự mới lạ trong các đồ uống có hương vị cà phê.
Nếu như Minh Ngọc và Tuấn Kiệt tìm giải pháp để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho nông sản Kon Tum, thì có những bạn trẻ ngoài khởi nghiệp với nông sản còn tình nguyện trở thành cầu nối, hỗ trợ kết nối đầu ra cho nông sản. Đỗ Thị Huế (SN 1988, phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum) là một trong số đó.
Hiện Huế đang là đồng sáng lập dự án Bánh sâm dây HFC, đồng thời là quản lý cửa hàng thực phẩm sạch HFC (167 Lê Hồng Phong, TP. Kom Tum).
Đỗ Thị Huế (bên phải) giới thiệu các nông đặc sản Kon Tum cho khách hàng |
Chia sẻ về việc “một mình gánh hai” vai vừa sản xuất vừa hỗ trợ đơn vị khác kết nối tiêu thụ, Huế cho biết dự án “bánh sâm dây HFC” với mong muốn tạo ra sản phẩm mới lạ, dinh dưỡng cho người dùng và là đầu ra cho sâm dây Ngọc Linh; còn showroom thực phẩm sạch được thành lập vì mong muốn tập hợp được những đặc sản của Tây Nguyên để cùng hỗ trợ, giới thiệu những sản phẩm đó đến với người tiêu dùng. Ngoài showroom trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, Huế cũng là gương mặt được nhiều cơ sở chế biến nông sản thường xuyên “nhờ vả” đưa các sản phẩm đi xúc tiến thương mại ở các địa phương khác.
“Việc khẳng định vị thế và chỗ đứng của nông sản Kon Tum trên thị trường cả nước và quốc tế sẽ là một hành trình dài và liên tục, nhưng những người trẻ như mình sẽ không đứng tại chỗ mà luôn nỗ lực để hành trình đó ngắn lại, được hiện thực hóa bằng việc người nông dân có đầu ra cho nông sản ổn định, sản phẩm nông sản Kon Tum có hàm lượng giá trị gia tăng cao, được người tiêu dùng đón nhận”, Đỗ Thị Huế bày tỏ.