Những điểm sáng của ngành Công Thương trong bảo vệ môi trường
Chúng ta đều biết, trong cả thời kỳ dài, Việt Nam đã sử dụng nhiều dây chuyền, thiết bị,máy móc của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong nhiều giai đoạn, do cả yếu tố khách quan và chủ quan, công nghệ, dây chuyền sản xuất ở nhiều ngành công nghiệp còn lạc hậu, chắp vá, không đồng bộ; tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ Công Thương qua các thời kỳ đã dành nhiều thời gian, công sức để xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về môi trường; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất sạch, bảo vệ môi trường.
Không chỉ đóng góp chính sách chung, Bộ Công Thương còn xây dựng nhiều chương trình, đề án và quyết liệt triển khai bảo vệ môi trường ở từng lĩnh vực sản xuất công nghiệp – thương mại cụ thể. Đơn cử như Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/ 2007; Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2017; Quyết định số 1375/QĐ-TTg của Thủ tướng, ngày 8/9/2020, phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025…với nhiều mục tiêu cụ thể.
Phát động trồng cây xanh tại Nhà máy nhiệt điện góp phần bảo vệ môi trường |
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo đó về phát triển ngành công nghiệp môi trường, trong đó liên quan đến công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường, Bộ Công Thương đã tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong tăng cường nghiên cứu sản xuất thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải, lò đốt chất thải, lò hơi phát điện đồng xử lý chất thải v.v... Các địa phương hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường thông qua chương trình khuyến công.
Về dịch vụ công nghiệp môi trường, Bộ đã chỉ đạo, triển khai các phương án quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; tư vấn, chuyển giao công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng....
Về sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường. Bộ đã chủ động, phối hợp triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng; Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất và phân bón đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất...và đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch hơn bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại |
Trong công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương theo Quyết định 1375/QĐ-TTg của Thủ tướng gắn với Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định thực hiện Kế hoạch và triển khai rộng khắp trong toàn ngành.
Hiện Cục và các đơn vị liên quan đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ trong Quyết định. Trong đó đã ban hành nhiều văn bản như: Thông tư số 41/2020/TT-BCT, ngày 30/11/2020 Quy định về quản lý, vận hành hồ chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản; Thông tư số 42/2020/TT-BCT, ngày 30/11/2020 Quy định việc khai báo, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương; Quyết định số 1818/QĐ-BCT, ngày 20/7/2021 về việc ban hành kế hoạch của Bộ Công thương thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Bộ Công Thương đã triển khai các hỗ trợ cho doanh nghiệp/hợp tác xã, làng nghề triển khai chương trình sản xuất sạch; hỗ trợ kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; hỗ trợ triển khai chương trình giảm rác thải nhựa, không dùng túi nilon, chất thải khó phân huỷ tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác môi trường; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp; quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương; Đào tạo nhân lực, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, trong đó có tổ chức cuộc thi viết về bảo vệ môi trường ngành Công Thương lần thứ II…
Tuyên truyền không sử dụng túi nilon, giảm rác thải nhựa |
Theo bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung phối hợp cùng các bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các nhiệm vụ và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg. Trong đó tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động Bảo vệ môi trường khác.
Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; quản lý, xử lý các tấm quang năng thải, bỏ từ các nhà máy điện mặt trời; tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Đồng thời rà soát, nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật hoặc quy định khi sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên liệu, vật liệu và tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Duy trì, phát triển cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, liên thông với cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia theo quy định. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về “Danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường” và “Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường” nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cho các đơn vị để tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.