Nhìn lại những phát ngôn "để đời" của Shark Tam trước lúc bị khởi tố
Ngày hôm nay (23/6), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn Tam (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo) và ông Phạm Xuân Tình (đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty Asanzo) về tội Trốn thuế, theo khoản 3, Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Ông Phạm Văn Tam được biết đến với tên Shark Tam do từng là một trong những khách mời của chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam năm 2019. Cũng trong năm 2019, cái tên Shark Tam, CEO Phạm Văn Tam hay CEO Asanzo được người dân, cộng đồng mạng biết đến nhiều hơn khi vướng phải lùm xùm sản phẩm của Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, Shark Tam còn để lại nhiều phát ngôn thu hút sự chú ý của dư luận.
Ông Phạm Văn Tam - (Ảnh: CTV) |
Sản phẩm Asanzo không phải Made in Việt Nam mà xuất xứ tại Việt Nam
Khi trên các mặt báo tràn ngập thông tin hàng điện tử Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam. Ông Phạm Văn Tam, CEO của Tập đoàn Asanzo vẫn chia sẻ với báo chí “sản phẩm Asanzo không phải Made in Việt Nam mà xuất xứ tại Việt Nam”!
Ông Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.
Thật ra thì nói khủng hoảng thì cũng không hẳn, tôi gọi đó là biến cố
Bộ Công an kết luận đã kết luận: "Chưa có căn cứ xác định Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo do ông Phạm Văn Tam làm Chủ tịch HĐQT lừa dối khách hàng" trong vụ việc công ty này có dấu hiệu: “sản xuất, buôn bán hàng giả”, “lừa dối khách hàng” trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ 3 và có hay không dấu hiệu “buôn lậu”, “trốn thuế”.
“Thật ra thì nói khủng hoảng thì cũng không hẳn, tôi gọi đó là biến cố. Về câu chuyện của một năm trước, đến thời điểm này thì tôi cũng nắm trong tay kết quả đầy đủ, và Asanzo chẳng có lỗi gì. Tuy thiệt hại ban đầu rất lớn nhưng tôi đủ trải qua được, tôi tin pháp luật Việt Nam rất công bằng. Với kết quả đang nắm trong tay này, tôi càng tự tin hơn để phát triển hơn nữa”, ông Tam cho hay.
Người dùng quay lưng mới là án tử chứ không phải là tiền
Sau khi Asanzo vướng vào nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam" và tiếp đó là Covid-19 ập tới khiến việc kinh doanh càng gặp khó khăn.
CEO Phạm Văn Tam cho rằng, dù mất cả nghìn tỷ nhưng miễn doanh nghiệp còn tồn tại thì sẽ còn làm ăn, còn phát triển được. "Nhưng con người mà mất lòng là rất đau đớn. Đối với tôi, người dùng mà quay lưng với tôi thì đó mới là cái ác nhất, là án tử, chứ không phải là tiền", vị chủ tịch nhấn mạnh.
Đại bàng muốn thành công phải thay nguyên bộ lông
Trong cuộc khủng hoảng đầu tiên, sau khi cơ quan chức năng đưa ra các thông báo rằng hoạt động của Asanzo là “phù hợp quy định”, không lừa dối khách hàng, thương hiệu ti vi Việt Nam này dần dần quay trở lại tại các siêu thị điện máy.
Ngay trong tâm dịch Covid-19, hãng này cũng mạnh tay đầu tư dây chuyền sản xuất máy lạnh mới, cố gắng tự chủ về linh kiện trước khan hiếm nguồn cung.
“Asanzo dám chịu thất bại để được những cái mới. Một con đại bàng phải thay nguyên bộ lông nếu muốn tồn tại và thành công. Doanh nghiệp của tôi cũng sẽ theo hướng như vậy”, ông Tam nói trong chương trình “The Next Power”do S-World và VnExpress phối hợp sản xuất.
Ngoài những phát ngôn trên, CEO Asanzo cũng từng nói:
“Để phát triển một thương hiệu điện tử, nhất là với doanh nghiệp thuần Việt như Asanzo là rất khó. Tiền có thể không có nhưng phải có kinh nghiệm”.
“Lĩnh vực khác thì tôi không dám chắc, còn với điện tử thì tôi rất tự tin”.
“Thành tựu Asanzo có được không phải điều kỳ diệu hay may mắn, mà xuất phát từ sự thấu hiểu khách hàng”.
“Thành công của Asanzo đến từ 4 chữ “hiểu”: hiểu thị trường, hiểu sản phẩm, hiểu đối thủ và hiểu khách hàng”.
“Asanzo hiểu người dân Việt Nam… Từ đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau, tôi đều hiểu hết khách hàng”.
“Doanh nghiệp Việt muốn trỗi dậy thì đừng theo cái bóng của các ông lớn mà cần tập trung vào thế mạnh cốt lõi, thấu hiểu thị trường, sản phẩm, đối thủ, khách hàng và kiên định với hành trình khởi nghiệp. Đó là chìa khóa để Việt Nam vươn lên trở thành một quốc gia khởi nghiệp xứng tầm, một “Israel châu Á” trong tương lai”.
Bình dân hóa điều hòa là sứ mệnh của Asanzo
Trên website của công ty, Asanzo luôn nhấn mạnh mục tiêu trở thành tập đoàn điện tử và công nghệ hàng đầu Việt Nam với hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu học tập và giải trí của người dùng trong nước.
Hay "Bình dân hóa điều hòa là sứ mệnh của Asanzo. Với mỗi chiếc máy lạnh bán ra, Asanzo đặt vào đó ước mơ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho gia đình lao động Việt Nam".
Thậm chí, CEO Phạm Văn Tam không ít lần nhắc tới khẩu hiệu "Tôi ra đời để lấp đầy khoảng trống mà thương hiệu lớn không làm. Những tập đoàn đa quốc gia có thể cho rằng ngách thị trường phục vụ khách hàng thu nhập thấp là miếng bánh nhỏ, nhưng với doanh nghiệp nhỏ thì lại là quá lớn".
Làm thuê là cách tốt nhất để khởi nghiệp
CEO Phạm Văn Tam từng nói: "Tôi từng đi lên từ con đường khởi nghiệp tự thân nên rất hiểu những khó khăn và trăn trở mà các startup trẻ đang gặp phải. Vì thế mà từ lâu, tôi đã có ý tưởng về việc thành lập một Qũy khởi nghiệp của riêng mình. Đây sẽ là nơi mà các dự án khởi nghiệp tiềm năng có cơ hội nhận sự hỗ trợ từ Asanzo Việt Nam để nhanh chóng ổn định và phát triển đúng hướng". Đây là thông tin ông gửi tới báo chí, truyền thông tại sự kiện Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank mùa 3 - nơi lần đầu tiên ông được ngồi vào vị trí nóng với vai trò "Cá mập".
Trước đó, ông Tam cũng từng chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp với triết lý: "Một người sẽ không còn ý chí học hỏi và phát triển năng lực khi nghĩ bản thân xuất chúng. Họ sẽ nhanh chóng tụt lại trong một xã hội luôn phát triển và môi trường kinh doanh thay đổi từng ngày như hiện nay. Đây là một sai lầm khá phổ biến ở các bạn trẻ, những doanh nhân mới bước vào hành trình khởi nghiệp.
Nếu muốn làm chủ, hãy bắt đầu bằng một kế hoạch "làm thuê" cụ thể. Trong đó, bạn nên xác định rõ bản thân sẽ làm nhân viên trong bao lâu, cần tích lũy những kinh nghiệm gì, học hỏi cách vận hành, quy trình sản xuất, cách xây dựng và phát triển thị trường, cách đối nhân xử thế ra sao? hay "Tôi từng khởi nghiệp cả chục lần mà chẳng có đồng nào trong tay".
Nghĩ lớn, khởi đầu giản dị
"Bên cạnh ưu tiên các thế mạnh "sân nhà" và khai thác thị trường nội địa, các công ty khởi nghiệp nên nghĩ đến việc tiến ra thế giới và chuẩn bị kế hoạch cho việc mở rộng kinh doanh ra bên ngoài thế giới. Tư duy toàn cầu nhưng các startup nên chọn địa bàn hoạt động cụ thể, khi đã làm tốt, chắc chắn rồi mới tính đến chuyện mở rộng mô hình kinh doanh", CEO Asanzo Phạm Văn Tam từng nói