Nhiều nỗ lực trong bảo tồn di sản văn hóa tại Lâm Đồng
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 37 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên và khảo cổ Cát Tiên; 18 di tích cấp quốc gia (2 di tích kiến trúc, 14 danh lam thắng cảnh, 2 lịch sử cách mạng); 17 di tích cấp tỉnh (10 di tích lịch sử văn hóa, 1 lịch sử cách mạng,1 khảo cổ, 5 danh lam thắng cảnh).
Với việc quan tâm đầu tư xây dựng và thực hiện đồng bộ quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các khu, điểm di tích, tỉnh Lâm Đồng đã đưa các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Bảo tồn các di tích quốc gia, đặc biệt
Trong thời gian qua, việc quy hoạch, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học xếp hạng các di tích trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng các quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan.
Hàng năm, ngân sách từ Trung ương và của tỉnh Lâm Đồng đã được quan tâm bố trí đảm bảo cho công tác đầu tư, tôn tạo các di tích quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn đảm bảo theo quy định, mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, đã bố trí nguồn kinh phí trên 173 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp các di tích quốc gia đặc biệt; di tích quốc gia và trên 700 triệu đồng để trùng tu, nâng cấp các đền thờ, đình làng là di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, việc trùng tu, nâng cấp, bảo tồn hệ thống các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh còn được sự quan tâm đóng góp thực hiện của các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Di tích khảo cổ Cát Tiên (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: lamdong.gov.vn |
Theo đó, các cơ quan chức năng thuộc tỉnh đã thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt 16 hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích; trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt 5 hồ sơ quy hoạch di tích; Hiện đang giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các bước theo trình tự luật định để xây dựng 1 quy hoạch liên quan đến quản lý, phát huy và bảo vệ di tích.
Nhằm phát huy giá trị của các di sản văn hóa, nhất là các di sản văn hóa vật thể trên địa bàn, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư các sản phẩm, loại hình du lịch, dịch vụ đặc trưng, phù hợp với định hướng quy hoạch về sản phẩm du lịch, loại hình du lịch của địa phương và quốc gia, qua đó mang lại nguồn thu lớn cho đơn vị cũng như góp phần tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị của di sản.
Hiện nay, tổng số hiện vật bảo tàng đang lưu giữ, trưng bày gồm: 17.723 đơn vị hiện vật; hơn 3.000 đơn vị hiện vật (bao gồm hiện vật gốc, hiện vật tạm thời và tài liệu khoa học phụ); tổng số sưu tập hiện vật: 6 bộ sưu tập hiện vật. Công tác trưng bày đã đạt được nhiều kết quả khả quan, phát huy tác dụng giáo dục truyền thống và trong du lịch về nguồn, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần bảo tồn đa dạng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 2 di tích khảo cổ; trong đó, 1 di tích quốc gia đặc biệt là Khu khảo cổ Cát Tiên và 1 di tích khảo cổ cấp tỉnh là Khu khảo cổ Pró. Để bảo tồn, phát huy giá trị của 2 khu khảo cổ, hàng năm đều bố trí kinh phí nhằm tiếp tục công tác bảo tồn, khai quật cũng như tiến hành trưng bày giới thiệu các hiện vật đến người dân và du khách.
Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của các khu khảo cổ, năm 2023, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề xuất 1 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh: “Chuyển đổi số Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng phục vụ bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa vào giáo dục truyền thống và phát triển du lịch sử dụng công nghệ 4.0”.
Giữ di sản văn hóa phi vật thể “sống mãi”
Tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm kê di sản phi vật thể tập trung vào các loại hình: ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thồng, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tri thức dân gian trên địa bàn 72 xã (phường) có đông dân cư đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh .
Việc tổ chức hoặc phục dựng các lễ hội trên địa bàn được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm; xây dựng các tiêu chí văn hóa mới hợp với không gian lễ hội và đời sống xã hội hiện đại. triển khai các dự án như: Làng nghề truyền thống dân tộc Churu, xã Proh, huyện Đơn Dương với kinh phí 7 tỷ đồng; phục dựng một số lễ hội truyền thống dân tộc Mạ, K’ho, Churu; điều tra, nghiên cứu bảo tồn một số làng, bản tiêu biểu và lễ hội truyền thống của dân tộc ít người tỉnh Lâm Đồng; sưu tầm và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh trên 4 tỷ đồng…
Ngoài ra, hàng năm, đã tổ chức các đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa của Trung ương, các tỉnh bạn và trong tỉnh tổ chức. Tổ chức định kỳ hàng năm “Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng”...
Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (TP Đà Lạt). Ảnh: lamdong.gov.vn |
Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề và các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: nghề đúc nhẫn bạc và làm gốm của người Churu, (huyện Đơn Dương), đan lát, làm rượu cần, nghề dệt thổ cẩm... Đến nay, có 33 làng nghề được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng nghề truyền thống, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.