Nhiều lĩnh vực tiềm năng Phần Lan mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam
Đối tác quan trọng của Phần Lan trong ASEAN
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. Thủ tướng Phần Lan nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên kể từ khi Quốc hội mới được bầu và Chủ tịch Quôc hội Vương Đình Huệ giữ cương vị mới, coi đây là chỉ dấu tốt đẹp trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống nhiều mặt giữa hai nước trong suốt nhiều thập kỷ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam hội kiến với Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin |
Thủ tướng Sanna Marin khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Phần Lan trong ASEAN và tại châu Á -Thái Bình Dương, hai nước đã hợp tác thành công về kinh tế, giáo dục, hợp tác phát triển, môi trường… Tuy nhiên, còn có nhiều lĩnh vực tiềm năng mà Phần Lan mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới và muốn được sự ủng hộ của Quốc hội.
Chúc mừng thành tựu, sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ theo hướng bền vững của Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng với Phần Lan về các lĩnh vực tiềm năng như xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, các mô hình phát triển bền vững và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, viễn thông, năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, giao thông vận tải, các lĩnh vực theo xu hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo...
“Hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác mà sự kiện ký kết hợp đồng mới giữa VNPT và Nokia của Phần Lan là minh chứng rõ nét về cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực này” - Chủ tịch Quốc hội nói
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hợp tác kinh tế giữa hai nước nhất là về đầu tư của Phần Lan còn khiêm tốn, vốn FDI còn hiệu lực mới đạt 23,632 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của cả hai nước. Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hợp tác đầu tư nước ngoài.
Theo đó, đề nghị bà Thủ tướng và Chính phủ Phần Lan ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực triển khai; khuyến khích các doanh nghiệp Phần Lan mở rộng đầu tư vào Việt Nam, ủng hộ Quốc hội Phần Lan phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), tạo lòng tin cho doanh nghiệp được an tâm và bảo vệ trong kinh doanh, làm ăn cũng như không để lỡ cơ hội phục hồi trong bối cảnh bình thường mới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Phần Lan hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung vắc-xin, nhượng lại vắc-xin chưa cần sử dụng, hỗ trợ cung cấp vật tư y tế, giúp Việt Nam ứng phó với tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay. Bên cạnh đó, đề nghị Chính Phủ Phần Lan tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu, bổ sung vào cộng đồng 2.500 sinh viên Việt Nam hiện đang được đào tạo tại Phần Lan.
Bày tỏ đồng tình với các chia sẻ và đề xuất của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Phần Lan cho biết, giáo dục tốt là một trong những trụ cột quan trọng, là “chìa khóa” cho những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội và thích ứng với những thách thức mới nổi lên của Phần Lan. Phần Lan sẵn sàng hợp tác triển khai các chương trình giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giáo viên giữa hai nước. Song song với đó, Phần Lan cũng đứng trước thách thức già hoá dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích lao động và doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Việt Nam làm việc tại Phần Lan.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về hợp tác trong các cơ chế đa phương, khẳng định hai nước đều tham gia và có vai trò tích cực ở EU và ASEAN, cần tiếp tục duy trì phối hợp và ủng hộ lẫn nhau, tham gia vào nỗ lực chung kết nối ASEAN - EU, góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - EU vừa mới được thiết lập. Hai bên tái khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Khởi đầu cho sự hợp tác, phát triển lâu dài
Cũng tại thủ đô Helsinki, Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp một số doanh nghiệp quốc tế. Cụ thể, tiếp ông David Nogareda - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HIPRA của Tây Ban Nha chuyên về nghiên cứu sản xuất vaccine, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh tập đoàn xem xét nghiên cứu xây dựng cơ sở sản xuất vaccine lớn ngay tại Việt Nam. Đại diện công ty HIPRA cho hay, dự kiến vaccine do công ty sản xuất có thể được cấp phép lưu hành từ đầu năm sau.
Tiếp tỷ phú Peter Vesterbacka, Chủ tịch kiêm người sáng lập Finest Future - một tổ chức chuyên về các dự án giáo dục và khởi nghiệp có trụ sở tại Espoo, Phần Lan đã có các hợp tác tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam coi trọng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bày tỏ mong muốn Chủ tịch kiêm người sáng lập Finest Future hỗ trợ quá trình này.
Trao đổi với Tập đoàn Gerbion (Đức) - doanh nghiệp đang có chương trình hợp tác với T&T về hợp tác mua thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam thiết bị test nhanh Covid-19 (PCR) với nguyên liệu, thiết bị dây chuyền thiết bị bằng công nghệ của Đức, giá thành hợp lý, Chủ tịch Quốc hội ủng hộ chiến lược kinh doanh, đầu tư của công ty tại Việt Nam, trong đó có cả bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác với đối tác sản xuất tại Việt Nam thiết bị y tế phòng, chống dịch để kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch hiện nay.
Tiếp đại diện NG Biotech (Pháp), Chủ tịch Quốc hội cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19; chúc mừng trong thời gian ngắn NG Biotech đã trở thành doanh nghiệp sản xuất kít xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 hàng đầu của Pháp. Việc triển khai thành công các dự án của NG Biotech ở Việt Nam sẽ khởi đầu cho sự hợp tác, phát triển lâu dài của NG Biotech tại Việt Nam, đồng thời đóng góp ý nghĩa cho công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã tiếp đại diện công ty Wärtsilä (Phần Lan) - công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ thông minh và các giải pháp hoàn chỉnh cho lĩnh vực biển và năng lượng (trong đó có việc sử dụng động cơ đốt trong -ICE); tiếp lãnh đạo Tập đoàn JAKS Resources Berhad của Malaysia, doanh nghiệp đang đầu tư một số dự án nhiệt điện tại Việt Nam và đang có ý định chuyển sang lĩnh vực khí gas và năng lượng tái tạo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu điện năng của Việt Nam còn rất lớn nên khuyến khích đầu tư các dự án năng lượng điện. Việt Nam xác định rất rõ chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới là tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, đồng thời tiếp tục ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Với những giải pháp công nghệ mới và giá thành điện hợp lý là điều rất đáng hoan nghênh.
“Các doanh nghiệp cần tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương trong việc bàn thảo những nội dung có thể hợp tác, trong đó phát triển các giải pháp công nghệ cao, hiện đại áp dụng cho các dự án năng lượng tại Việt Nam trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật và hệ thống điện quốc gia” - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.