Nhiều doanh nghiệp bất động sản giàu lên nhanh chóng nhờ đón đầu quy hoạch
Chiều 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Thị trường bất động sản (Ảnh minh họa) |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận - đoàn Cà Mau cho biết, TP. Hồ Chí Minh - "hòn ngọc Viễn Đông" là 1 đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng thời, là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Với vị thế đó, đạ biểu bày tỏ sự thống nhất rất cao về thí điểm 1 số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Tham gia thảo luận, đại biểu đồng tình với khoản 7 Điều 5 dự thảo nghị quyết quy định: Hội đồng nhân dân thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác. Các dự án quốc lộ cao tốc đi qua địa bàn Thành phố, hỗ trợ địa phương khác trong nước và hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.
Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội đã xác định xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị năng động, sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.
Theo đại biểu, để trở thành một đô thị năng động, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, Thành phố không thể đơn độc một mình mà phải có sự hỗ trợ, ủng hộ của cả nước. "Để trở thành trung tâm thương mại không thể bó gọn trong nội bộ Thành phố mà phải có sự liên kết, gắn bó với cả vùng, cả khu vực" - đại biểu Nguyễn Quốc Hận nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Cà Mau dẫn chứng, nếu không có đồng bằng sông Cửu Long cung cấp hàng nông thủy - hải sản, không có khu vực Đông Nam Bộ cung cấp các mặt hàng công nghiệp, không có Tây Nguyên cung cấp trà, cà phê và các mặt hàng khác thì TP. Hồ Chí Minh khó có thể có nguồn để tự túc, tự cấp, nói gì đến mua bán sầm uất như hiện nay.
Các nguồn cung cấp này ở các khu vực hầu hết đến được với Thành phố thông qua đường bộ và đường thủy. Để đáp ứng nhu cầu lưu thông trong giao thông thì nhu cầu đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng rất cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ngân sách trung ương chưa cân đối được nguồn nên nhiều dự án giao thông có tính động lực liên vùng thuộc địa giới hành chính của các địa phương khác kết nối với TP Hồ Chí Minh chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện.
"Với mục tiêu phấn đấu là thành phố nghĩa tình và giúp bạn cũng chính là việc tạo điều kiện cho mình phát triển tốt hơn, nên việc cho phép Thành phố đầu tư các công trình giao thông có tính chất vùng, liên vùng là rất cần thiết" - đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho hay.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 4 dự thảo nghị quyết cho phép Thành phố sử dụng ngân sách Thành phố lập dự án đầu tư công độc lập để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất và đấu giá khu đất thuộc vùng phụ cận, làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch.
"Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giàu lên một cách nhanh chóng là nhờ đón đầu quy hoạch và một số cán bộ có chức quyền thâu tóm nhiều diện tích đất trong khu quy hoạch trước khi quy hoạch được công bố" - ông Nguyễn Quốc Hận nêu.
Sau khi quy hoạch được thực hiện thì các hộ này độc chiếm toàn quyền vùng đất phụ cận các dự án do Nhà nước đầu tư và qua đó thổi giá tăng lên rất nhiều lần để chuyển cho người có nhu cầu sử dụng.
Theo đó, việc cho phép Thành phố thực hiện chính sách như tại khoản 2 Điều 4 dự thảo nghị quyết là nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện đầu tư các dự án thuộc vùng phụ cận các dự án, tạo mặt bằng sạch, tổ chức đấu giá các khu đất này để tạo nguồn lực triển khai thực hiện các dự án giao thông có quy mô lớn, đảm bảo nguồn thu của ngân sách nhà nước từ chênh lệch địa tô của các khu đất đem lại...