Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Tình” trong nhạc và thơ
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (Ảnh: Internet)
- Nặng một đời với nhạc với thơ
Sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở Đà Nẵng. Những năm 20 của thế kỷ trước, chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện cho con cái học nhạc và hầu hết đều phải tự mày mò. Và, chàng thanh niên Phan Huỳnh Điểu ngày ấy bước vào giấc mơ âm nhạc chỉ với cây đàn mandolin. Để rồi ở tuổi 18, ông đã cho ra đời nhạc phẩm đầu tay là bản truyện ca mang tên Trầu cau làm nao lòng bao thế hệ. Năm 1945, ông tham gia Đội tuyên truyền xung phong Đà Nẵng và tiếp tục viết hàng loạt bài hùng ca bi tráng như Mùa đông binh sĩ, Giải phóng quân, Tuyên truyền xung phong…
Năm 1946, như bao thanh niên trước tiếng gọi non sông, ông bị cuốn vào phong trào toàn quốc kháng chiến, và năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Từ năm 1957, ông trở thành Ủy viên thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam; năm 1964, ông quay lại chiến trường B cho tới năm 1970 trở về Hà Nội. Năm 1988, ông được trao Huân chương Độc lập hạng 3. Trong khoảng thời gian này, ông liên tục cho ra đời những ca khúc lấp lánh dấu ấn cá nhân, nhất là những bài hát phổ thơ được nhiều thế hệ thuộc lòng như Quê tôi miền Nam (1954), Tình trong lá thiếp (1955), Những ánh sao đêm (1962), Bóng cây Kơnia (1971), Cuộc đời vẫn đẹp sao (1971), Hành khúc ngày và đêm (1972), Anh ở đầu sông em cuối sông (1978), Thuyền và biển (1981)... Chính vì những đóng góp to lớn ấy, năm 2000, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Trước khi đến với sáng tác nhạc, ông đã từng làm thơ, ông chia sẻ: “Tôi làm thơ trước khi viết nhạc. Thời tiểu học, tôi đã rất mê thơ, thuộc nhiều thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính... Mê thơ, tôi tập làm thơ đăng trên những tờ báo viết tay của trường, kín đáo truyền tay nhau đọc. Vì lúc đó nếu Ban giám hiệu phát hiện, chẳng những báo bị tịch thu, chúng tôi còn bị đuổi học. Bài Chiều cô liêu là bài thơ đầu tiên của tôi đăng trên tờ Tin mới mục văn nghệ vào khoảng năm 1941.
90 năm cuộc đời
Gặp lại Phan Huỳnh Điểu tại buổi gặp gỡ báo chí cho chương trình “Phan Huỳnh Điểu 90 – Cuộc đời vẫn đẹp sao” tổ chức nhân dịp mừng thọ của ông. Nhạc sĩ lão thành vẫn còn minh mẫn, mắt sáng và hoạt ngôn hóm hỉnh chia sẻ: Đề tài chủ yếu trong sáng tác của ông là Tình ca. Bởi vì không có tình thì không thể viết được. Khi hỏi ông giờ còn tình không thì ông vẫn cười trả lời : “Còn, còn chứ. Không có tình yêu nam nữ thì có tình yêu đất trời, yêu đất nước và không có tình yêu thì… chết cho rồi”.
Tình yêu vào trong sáng tác âm nhạc của ông từ rất sớm, 18 tuổi với nhạc phẩm đầu tay là bản truyện ca nhạc mang tên Trầu cau, rồi sau này đến những ca khúc Những ánh sao đêm, Cuộc đời vẫn đẹp sao và mới nhất là ca khúc Em như áng mây được phổ từ bài thơ của nhà thơ Trương Nam Chi, và là bài tình ca mới nhất của ông (2011).
90 tuổi, tình yêu trong ông vẫn luôn rực cháy, vẫn thiết tha với nền âm nhạc Việt Nam.
Thanh Sơn