Nhà báo Nga: NATO đang tiến vào châu Á
Theo nhà báo Piotr Tsvetov thuộc chuyên mục phân tích của hãng tin Sputnik (Nga), hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc tại Washington, thể hiện mong muốn của khối này trong việc mở rộng hoạt động sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Tsvetov cho hay, đây là lần thứ 3 các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở cấp cao nhất trong cuộc họp các quan chức hàng đầu của liên minh. Và cũng là lần thứ 3 NATO tuyên bố khối quân sự có ý định phát triển quan hệ đối tác với các nước trên.
“Việc NATO tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một hiện tượng khá mới. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, với tên gọi chính thức là NATO, được thành lập cách đây 75 năm nhằm đảm bảo an ninh trước "mối đe dọa Liên Xô". Nghĩa là, theo các tài liệu thành lập, khu vực hoạt động của NATO là khu vực giáp với phần phía bắc của Đại Tây Dương và đây là khu vực cách rất xa châu Á - Thái Bình Dương”, nhà báo Tsvetov chỉ ra.
Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại thủ đô Washington D.C của Mỹ. Ảnh: Sputnik |
Ông Tsvetov cho biết thêm, năm 2016, người đứng đầu ủy ban quân sự NATO tuyên bố: “Chúng tôi cố gắng duy trì trong phạm vi biên giới khu vực của mình và không can thiệp vào các vấn đề của các khu vực khác”.
“Nhưng khi Mỹ ngày càng đối đầu sâu hơn với Trung Quốc, quan điểm giới lãnh đạo khối NATO thay đổi. Năm 2022, lãnh đạo NATO gọi Trung Quốc là ‘mối đe dọa tiềm tàng’ và bắt đầu mở rộng quan hệ quân sự với các nước trong khu vực, chủ yếu với các đồng minh của Mỹ - Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand”, nhà báo người Nga nhấn mạnh.
Ông Tsvetov, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến NATO ở châu Âu, cũng như ở châu Phi, Bắc Cực và các nơi khác. Nỗi lo sợ của NATO cũng được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, do đó họ sẵn sàng hợp tác với khối quân sự các cường quốc phương Tây. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, các quốc gia này được đề nghị hợp tác về 4 chủ đề: Ukraine, trí tuệ nhân tạo, chống thông tin sai lệch và an ninh mạng.
“Không có tuyên bố trực tiếp nào được đưa ra, nhưng tàu chiến các nước NATO như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan cùng với tàu Mỹ sẽ thường xuyên xuất hiện ở Thái Bình Dương”, nhà báo Tsvetov cảnh báo.
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, quốc gia Đông Bắc Á này và NATO ngày 11/7 (giờ Washington) đã ký một thỏa thuận về quy trình công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận đủ điều kiện bay quân sự. Đây là thỏa thuận chính thức đầu tiên của NATO với một quốc gia châu Á.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc và Ủy ban Hàng không NATO đã ký thỏa thuận trên, một thước đo quan trọng về khả năng thực hiện chuyến bay an toàn của máy bay.
Theo thỏa thuận, NATO sẽ công nhận chứng nhận đủ điều kiện bay của chính phủ Hàn Quốc đối với các máy bay do nước này sản xuất.