Thứ sáu 22/11/2024 05:05
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao:

Người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối thúc đẩy hợp tác song phương với nhiều quốc gia

Sáng 22/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Sáng 22/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc; lãnh đạo các địa phương và 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. Ảnh: Tuấn Anh

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các địa phương đã tới tham dự phiên khai mạc ngày hôm nay.

Cùng đó, Hội nghị vui mừng chào đón 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã không quản đường sá xa xôi và công việc bận rộn tề tựu về đây, mang theo tình cảm và tiếng nói tâm huyết của mình đối với quê hương, đất nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng xin gửi lời chào nồng ấm từ quê nhà tới hàng triệu kiều bào trên toàn thế giới đang theo dõi phiên khai mạc Hội nghị và Diễn đàn qua các nền tảng trực tuyến.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.

Qua 3 lần tổ chức, Hội nghị đã tạo diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề mang tính chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các nội dung liên quan tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thực sự trở thành “Hội nghị Diên Hồng” của người Việt Nam ở nước ngoài.

Những ý kiến quý báu, nhiều kiến nghị chính sách của kiều bào đã được các cơ quan chức năng trong nước tiếp nhận, nghiên cứu và chuyển hóa thành các chính sách, quy định pháp luật. Minh chứng rõ ràng là, hàng loạt những chính sách mới trong lĩnh vực căn cước, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… đã được ban hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nước sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, hướng tới bảo đảm quyền lợi của công dân Việt Nam ở nước ngoài tương đương như người dân trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham quan bên lề Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. Ảnh: Tuấn Anh

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ sự tự hào khi thấy cộng đồng có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, số người có trình độ Đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.

Kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sỹ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế, góp phần làm rạng danh cơ đồ và vị thế Việt Nam.

Đồng thời, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa sở tại và quê hương đất nước.

Đặc biệt, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ.

Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Bộ trưởng khẳng định, với sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và mọi người dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là dịp để “chúng ta cùng rút ra những kinh nghiệm, bài học quý báu để đưa công tác người Việt Nam ở nước ngoài lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của bà con”, Bộ trưởng nói.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài.

Chính vì vậy, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước” với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Hoàng Giang
Bài viết cùng chủ đề: Người Việt Nam ở nước ngoài

Tin cùng chuyên mục

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Xung đột Nga-Ukraine lan rộng, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Quốc hội điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 8, xem xét công tác nhân sự

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thủ đô Phnom Penh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Phó Thủ tướng Lê Thành Long hội kiến Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng Chiết Giang, Trung Quốc

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lên đường thăm chính thức Campuchia

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Malaysia

Giá bất động sản phi mã, lao động, công chức khó có thể mua

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia

Nhiều mỏ cát phục vụ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long không đạt tiêu chuẩn

Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan