Người kế thừa của tổ hợp phòng không "ba ngón tay tử thần", "làm mưa, làm gió" ở chiến trường Ukraine
Trong cuộc chiến Yom Kippur (năm 1973), dòng tên lửa phòng không Lục quân Kub của Liên Xô đã từng làm Không quân Israel “khủng hoảng” với hiệu suất bắn hạ mục tiêu cao bất ngờ. Chính vì lý do trên, phi công Israel đặt biệt danh cho tổ hợp tên lửa phòng không này là “ba ngón tay thần chết” do đặc điểm mang 3 đạn tên lửa trên mỗi xe phóng.
Truyền thống đó đang được kế thừa bằng các tổ hợp phòng không lục quân Buk, đặc biệt là biến thể nâng cấp Buk-M3 với những tính năng đặc biệt.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk và các biến thể được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay trực thăng và cánh cố định, và máy bay không người lái.
Ở biến thể mới nhất Buk-M3 Viking, vũ khí phòng không này có khả năng đánh chặn các mục tiêu bay nhanh tới 3.000m/giây (tương đương 11.000km/giờ), trần cao 15m tới 35km, tầm bắn từ 2,5-70km.
Trên mỗi bệ phóng đặt 12 quả tên lửa, trên bệ hỏa lực tự hành đặt 6-8 tên lửa, Buk-M3 có thể bắn đồng thời tới 36 mục tiêu bay từ bất kỳ hướng nào. Nhờ đặt trên khung gầm tự hành, Buk-M3 giống như các tổ hợp phòng không lục quân của Liên Xô và Nga là khả năng cơ động rất cao.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, Buk-M3 có thể theo dõi 36 mục tiêu cùng lúc và thời gian chuyển đổi trạng thái chiến đấu không quá 12 giây. Trong các bài bắn thử nghiệm, Buk-M3 đạt tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu tới 99,9%, đây là con số mà cả tổ hợp S-300 và nhiều dòng vũ khí phòng không khác chưa bao giờ đạt được.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, Buk-M3 hiện là vũ khí phòng không tầm thấp và trung nguy hiểm bậc nhất thế giới và là người kế thừa xứng đáng của “ba ngón tay tử thần”.
Thực tế là chiến trường Ukraine đã chứng minh, tổ hợp Buk-M3 chính là vũ khí đánh chặn hiệu quả các loại vũ khí chính xác cao do Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine như tên lửa Storm Shadow hay ATACMS.