Thứ hai 25/11/2024 10:19

Người dân Quảng Ninh hưởng lợi từ rừng nhờ các chính sách ưu đãi

Với những chính sách hỗ trợ của Quảng Ninh, sự vào cuộc của người dân, nguồn lợi từ phát triển rừng đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên, có kinh tế khá giả.

Chính sách thiết thực từ thực tiễn

Theo thống kê, Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp tính đến năm 2030 là 390.573ha, gồm 47.504ha quy hoạch rừng đặc dụng, 104.260ha quy hoạch rừng phòng hộ, 238.809ha quy hoạch rừng sản xuất.

Tổng diện tích đất có rừng hiện có trên địa bàn toàn tỉnh là 371.954ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 123.730,4ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 216.422,7ha; diện tích rừng trồng chưa thành rừng là 31.801ha.

Quảng Ninh khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn. Ảnh: Minh Hà

Trong những năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo của Trung ương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện.

Điển hình là Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong cả nước về phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo tiền đề cho phát triển bền vững lâm nghiệp.

Đặc biệt, năm 2021, HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND (Nghị quyết 337) về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với chính sách này, hằng năm tỉnh sẽ dành 3% dự toán chi thường xuyên để đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp, đây là động lực để Quảng Ninh phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Nghị quyết 337 được triển khai thí điểm tại TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả và huyện Ba Chẽ với 921 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, tham gia chính sách phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, với diện tích hơn 1.400ha. Tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ gần 30 tỷ đồng.

Đầu tháng 7/2024, tại kỳ họp HĐND tỉnh, nghị quyết mới về phát triển lâm nghiệp bền vững vừa được thông qua, tạo thêm động lực để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, góp phần thực hiện mục tiêu thị trường tín chỉ carbon, cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng.

"Việc ban hành chính sách mới là rất cần thiết để đảm bảo phạm vi, đối tượng, có chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá trong phát triển rừng gỗ lớn và các loài cây dưới tán rừng. Từ đó, nâng cao đời sống cho người dân tham gia trồng rừng", ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh - nhấn mạnh.

Hiện Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 55%. Những cánh rừng xanh bạt ngàn là vành đai xanh bảo vệ biên giới, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế cho người dân có thu nhập ổn định.

Thoát nghèo nhờ những cánh rừng

Anh Triệu Tiến Lộc (ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, TP. Hạ Long) được biết đến là một trong những hộ điển hình trong việc gìn giữ, nhân rộng rừng lim hàng chục năm tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, gia đình anh Lộc sở hữu gần 10ha rừng cây gỗ lớn, trong đó có tới 500 cây lim to mấy chục năm tuổi, cùng hàng trăm cây lim nhỏ.

Để có nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình, dưới tán rừng, anh Lộc trồng xen nhiều cây ngắn ngày (ba kích, trà hoa vàng). Đồng thời, anh cải tạo vườn đồi, đưa khu rừng quý này trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái. Không chỉ phát triển cánh rừng của gia đình, anh còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân ở địa phương tích cực trồng và bảo vệ rừng, nhất là rừng cây gỗ lớn.

Mô hình trồng trà hoa vàng dưới tán rừng lim của anh Triệu Tiến Lộc (xã Tân Dân, TP. Hạ Long). Ảnh: Nguyễn Thành

Với chiều dài hơn 7km, những quả đồi bạt ngàn màu xanh của thông và bạch đàn rộng hơn 60ha, trung bình cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, hộ ông Vũ Quang Hải (thôn Tam Hồng, xã An Sinh, thị xã Đông Triều) là một trong những điển hình phát triển kinh tế trên địa bàn.

Trong những năm đầu gặp không ít khó khăn vì chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc rừng, ông Hải không quản ngại, tích cực học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương, tham gia lớp tập huấn của tỉnh về trồng cây lấy gỗ lớn, mang lại thu nhập cao; từ đó có thêm kiến thức và rút ra bài học kinh nghiệm trong trồng rừng, nâng cao giá trị rừng trồng, đem lại hiệu quả kinh tế.

Hiện diện tích trồng rừng lấy gỗ của gia đình ông Hải là 40ha, còn lại 20ha trồng thông nhựa; gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và hơn 50 lao động mùa vụ vào các thời điểm thu hoạch với mức lương 7-10 triệu đồng/tháng.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rừng đang mang lại việc làm cho khoảng 60.000 lao động, thu nhập trung bình gần 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi chiếm tỷ lệ lớn.

Để rừng tiếp tục phát huy giá trị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Duy Văn cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong đó, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập, nâng cao mức sống cho những người làm nghề rừng.

Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trọng tâm là chuyển hướng từ khai thác rừng sang phát triển vốn rừng, trồng rừng tập trung, khoanh vùng bảo vệ, giao đất, giao rừng cho các thành phần kinh tế.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế dưới tán rừng dựa trên tiềm năng, thế mạnh từng vùng.

Mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đặt ra đến năm 2025 sẽ tăng giá trị sản xuất từ rừng bình quân đạt 8%/năm, tăng trưởng khoảng 5,5%/năm.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 5.000ha rừng cây lim, dổi và 50% số hộ dân miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa, bảo đảm cho khoảng 60.000 - 70.000 người có việc làm với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh

Tin cùng chuyên mục

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Hướng tới ‘cái nôi’ giá trị văn hóa lịch sử

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Quảng Ninh tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên than

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Vĩnh Phúc: Tăng trưởng GRDP năm 2024 dự kiến đạt 7,5-7,8%

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Dân ca Quan họ Bắc Ninh: 15 năm lan tỏa mạnh mẽ

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà

Quảng Ninh: Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất nhờ tiết kiệm điện

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bắc Giang: Kiểm soát bình ổn thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu

Quảng Ninh ưu tiên phát triển nhà ở xã hội

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp 39,4ha ở tỉnh Thanh Hóa về tay doanh nghiệp nào?

Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu tuyên truyền phòng, chống rác thải nhựa tại Thanh Hóa

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Sắp diễn ra Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Cần Thơ năm 2024

Tham vấn ý kiến dự thảo Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng