Người dân có quyền giám sát ngân sách nhà nước
Công khai ngân sách nhà nước cần cụ thể
Trao quyền cho dân
Những năm qua, hàng trăm văn bản gồm Luật NSNN và dưới luật đã được ban hành thực thi các chính sách thu - chi, phân bổ, sử dụng NSNN cũng như tăng cường công khai và khả năng tiếp cận của cộng đồng trong việc giám sát quản lý NSNN. Tuy nhiên, những nỗ lực nâng cao tính minh bạch và phát huy vai trò giám sát NSNN từ cộng đồng chưa đạt được như kỳ vọng.
Một lãnh đạo của Vụ Tài chính ngân sách thuộc Văn phòng Quốc hội cho hay, công khai, minh bạch NSNN và các nguồn lực tài chính công theo quy chế hiện hành vẫn chưa tạo được điều kiện cho người dân giám sát hoạt động quản lý NSNN. Bởi việc thực hiện công khai dự toán và quyết toán NSNN từ trước đến nay vẫn chỉ thực hiện sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tức là công khai việc đã rồi.
Mọi người dân đều đóng góp cho NSNN thông qua hoạt động đời sống hàng ngày như mua bán hàng hóa, ăn uống, đi lại… hoặc theo các hình thức khác. Trao quyền và nâng cao vai trò của người dân giám sát quản lý, sử dụng NSNN là phù hợp và cần thiết. Luật NSNN sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã đáp ứng yêu cầu này. Theo đó, ngoài việc thống nhất quản lý NSNN theo hướng ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo thực hiện các nhiệm vụ chi của Quốc gia, bảo đảm vai trò của Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Hướng dẫn cụ thể, rõ ràng
Quyền giám sát NSNN của người dân và các tổ chức xã hội lâu nay vẫn còn yếu là do chưa có cơ chế tham vấn người dân trong quá trình lập, phê duyệt và thực hiện NSNN. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn- Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia- một trong những nguyên nhân cơ bản làm hạn chế khả năng giám sát đối với quản lý NSNN của cả cơ quan dân cử lẫn người dân hiện nay là do thông tin trong các tài liệu về NSNN quá phức tạp, nặng tính kỹ thuật không phù hợp để các đại biểu Quốc hội tiếp cận, nghiên cứu chứ chưa nói đến phần đông người dân. Để khắc phục điều này, cần đổi mới cách thức công khai NSNN theo hướng cụ thể, đơn giản để người dân dễ hiểu. Đặc biệt, cần tạo cơ chế để người dân được lắng nghe và có quyền thắc mắc những gì họ chưa hiểu về thu - chi, phân bổ, quản lý và sử dụng NSNN.
Đại biểu Khúc Thị Duyên (Thái Bình) cho rằng, công khai NSNN là biện pháp thể hiện sự minh bạch. Luật NSNN sửa đổi đã quy định về nội dung, hình thức… công khai NSNN, khi hướng dẫn thi hành Chính phủ cần quy định rõ đối tượng, thời điểm, thời hạn, địa điểm… phải công khai. Đây cũng là một biện pháp giúp cộng đồng theo dõi, thực hiện giám sát quản lý NSNN.
“NSNN được giám sát bởi cộng đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức việc giám sát NSNN của cộng đồng. Nội dung giám sát NSNN của cộng đồng bao gồm: Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN; tình hình thực hiện dự toán NSNN hàng năm; thực hiện công khai NSNN; Chính phủ quy định cụ thể công khai NSNN và giám sát NSNN của cộng đồng” (trích Điều 15 Luật NSNN sửa đổi 2015). |