Người dân cần làm khi sổ hộ khẩu giấy bị “khai tử” từ 1/1/2023
Người dân không cần xác nhận bằng giấy
Để việc triển khai thực hiện quy định của Luật Cư trú thống nhất, đồng bộ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã hướng dẫn các bộ ngành các phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Theo đó, các cơ quan Nhà nước có thể sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú của công dân.
Từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không còn giá trị theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 |
Khi công dân xuất trình thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin về căn cước công dân.
Tuy nhiên, trước khi sổ hộ khẩu bị "khai tử" từ 1/1 2023, người dân cần làm căn cước công dân gắn chíp, đăng ký tài khoản định danh điện tử hoặc xin giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Bộ Công an cho hay, khi không còn sổ hộ khẩu, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Trên hệ thống, mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân, trong đó có đầy đủ các thông tin về tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, quan hệ nhân thân,...
Khi không còn sổ hộ khẩu giấy, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần làm những việc sau:
Làm căn cước công dân gắn chip
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân, căn cước công dân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Bộ Công an đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, sử dụng thông tin công dân trên căn cước thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu.
Người dân có thể sử dụng căn cước gắn chíp là một loại giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm các thủ tục hành chính. Bởi thế, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên căn cước công dân gắn chíp.
Trên mặt thẻ căn cước công dân thể hiện các thông tin cơ bản về: số căn cước công dân (chính là số định danh cá nhân); họ, chữ đệm và tên khai sinh; ảnh chân dung; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú; ngày thẻ hết hạn; vân tay; ngày cấp thẻ; đặc điểm nhân dạng...
Ngoài ra, theo Điều 12 Luật Căn cước công dân, số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi cá nhân.
Từ đó, Bộ Công an đề nghị người từ đủ 14 tuổi trở lên cần sớm làm căn cước công dân gắn chíp để thuận tiện trong các giao dịch. Hiện có trên 76 triệu căn cước công dân đã được cấp.
Cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Luật Căn cước công dân quy định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của công dân Việt Nam được. Thông tin này được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của tổ chức, cá nhân.
Điều 9 Luật Căn cước công dân nêu thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu...
Bởi vậy, công dân cần sớm cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính sau ngày 31/12/2022. Những thông tin đã được cập nhật có thể sử dụng ngay thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Xin giấy xác nhận thông tin về cư trú
Sổ hộ khẩu được dùng trong các thủ tục, giao dịch cần chứng minh thông tin về cư trú. Nhưng khi sổ hộ khẩu không còn, người dân có thể sử dụng Giấy xác nhận thông tin về cư trú để thay thế trong các trường hợp cần xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin cư trú. Trên giấy này sẽ có thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.
Theo Điều 17 Thông tư 55/2021 của Bộ Công an, mọi người yêu cầu cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú bằng những cách thức sau:
Đến công an xã, phường, thị trấn; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... để đề nghị cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Gửi yêu cầu xác nhận thông tin cư trú qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hay Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đăng ký tài khoản định danh điện tử
Tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ. Trong đó, mức độ 1 gồm những thông tin cá nhân và ảnh chân dung và người dân dùng được một số tính năng cơ bản như thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng...
Với mức độ 2, tài khoản định danh có thêm thông tin về sinh trắc học của công dân (vân tay). Ngoài những tiện ích ở mức độ 1, ở đây người dân được sử dụng tất cả tiện ích đã tích hợp, gồm các loại giấy như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế, thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, chuyển tiền...).
Đặc biệt, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương căn cước công dân gắn chip.
Khi đã có tài khoản định danh điện tử, người dân có thể xuất trình thông tin định danh, thông qua ứng dụng VNeID, để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, Bộ Công an cho biết.
Hiện nhà chức trách đã đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng và kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử.
Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. |