Nghi lễ ngày Tết cung đình triều Nguyễn được tái hiện tại Văn Miếu
Đây là lần đầu tiên 80 tài liệu tiêu biểu về Tết Nguyên đán trong cung đình, được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới được giới thiệu tại triển lãm. Các hình ảnh, hiện vật tại triển lãm nhằm giới thiệu về nghi thức đón Tết trong cung đình triều Nguyễn xưa.
Ban tổ chức của triển lãm cho biết, Tết Nguyên đán là ngày Tết cổ truyền lớn ở nước ta với nhiều phong tục truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc. Dưới triều Nguyễn, Tết Nguyên đán được coi là một trong những lễ tiết lớn nhất trong năm và cung đình đón Tết với nhiều nghi lễ long trọng.
Công việc chuẩn bị đón Tết trong hoàng cung được bắt đầu sớm, ngay từ mùng 1 tháng Chạp, bằng lễ ban lịch năm mới (Lễ Ban sóc), sau đó là nghi lễ thỉnh các vị tiên đế về "ăn Tết" với triều đình (Lễ Hợp hưởng), nghi thức biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính (Lễ Phong ấn); nghi lễ Tuế trừ, Trừ tịch, Lễ Thượng tiêu với ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới.
Khu vực chủ đề 1: Lễ nghi chuẩn bị đón Tết long trọng |
Ngày 30 Tết trong hoàng cung được diễn ra với các nghi lễ thiêng liêng - Lễ Tuế trừ, Trừ tịch, Lễ Thương tiêu với ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới.
Khu vực chủ đề 2: Tất niên - tiễn năm cũ, đón năm mới |
Các nghi lễ đón Tết ở cung đình diễn ra long trọng, tưởng như khác xa với Tết cổ truyền trong dân gian - nhưng thấp thoáng đâu đó, trong từng nghi tiết, trong tâm thức vẫn đề cao chữ Hiếu và trong sự tạm ngưng công việc để thưởng thức tiết xuân ấm áp…Ngày đầu năm mới, nhà vua đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng. Làm lễ xong, vua ngự ở điện Thái Hòa, bách quan dâng biểu mừng. Sau lễ mừng Tết, nhà vua ban yến, thưởng Tết cho các hoàng thân, bá quan văn võ cũng như ban ân chiếu rộng khắp cho chúng dân.
Khu vực chủ đề 3: Đầu năm đón phúc, tiết xuân ban lộc và đề cao chữ Hiếu |
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định, đây là nguồn tài liệu, tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm tìm hiểu về Tết xưa trong hoàng cung triều Nguyễn.
"Tết Nguyên đán là dịp quan trọng nhất của người dân Việt Nam. Dù cuộc sống ngày nay có nhiều thay đổi nhưng ngày Tết với những lễ nghi truyền thống tốt đẹp vẫn được duy trì. Mọi người sum họp gia đình, tưởng nhớ tổ tiên. Câu nói ‘Mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ’ thể hiện truyền thống hiếu nghĩa của dân tộc ta", Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết.
Xuất phát từ tình trạng vật lý và yêu cầu bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ, Ban tổ chức chỉ đưa ra trưng bày các phiên bản. Bản gốc tài liệu hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 23/2/2021, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.