Nghệ An: Sính đồ hiệu, biết hàng giả vẫn mua
Chị Thanh Thảo, chủ một shop online chuyên bán hàng fake (hàng nhái) trên đường Nguyễn Văn Cừ TP. Vinh (Nghệ An), cho biết "Toàn bộ nguồn hàng của shop đều là hàng chuyển về từ các tỉnh phía Bắc. Do dịch nên đợt vừa rồi hàng hoá về chậm hơn, nhưng có hàng vẫn bán tốt".
Lướt qua fanpage của cửa hàng này, các sản phẩm giày nữ với đủ hãng được cập nhật gần như hằng giờ, cam kết hàng “like auth” chỉ khác hình 5%, nếu khách không ưng thì bao luôn đổi trả.
Nhiều mẫu áo đủ các thương hiệu nổi tiếng được chào bán với giá từ 500.000-1000.000 đồng |
Hay tại một shop thời trang trên đường Kim Đồng, TP Vinh chuyên thời trang phụ kiện cao cấp của HongKong- Luxury với đầy đủ mẫu mã từ quần áo phụ hiện hàng hiệu như Dior, Versace, cho đến Gucci, Chanel có giá từ 500.000 đồng cho đến trên dưới 5000.000 đồng.
Dòng thấp hơn là hàng "super fake" với mức độ kém tinh xảo hơn, nguyên liệu dỏm hơn. Muốn rẻ hơn nữa sẽ có hàng hiệu fake loại1, loại 2... tương ứng với chất lượng và giá thành giảm dần. Ví dụ như dép hiệu Hermes có giá 150.000 đồng/đôi, áo thể thao hãng Adidas giá 120.000 đồng/cái...Thậm chí túi xách Gucci, là một trong những hãng ưa thích của chị em, giá chỉ từ 250.000 - 500.000 đồng/chiếc, rẻ hơn gấp vài chục lần, thậm chí cả trăm lần so với giá hàng chính hãng. Hàng hiệu giả gần như đã bao vây đủ các phân khúc.
Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An cho hay, các đối tượng buôn lậu vận chuyển hàng từ địa bàn khác đến, tìm kho kín, ngõ nhỏ để cất giấu hàng hóa. Các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng sử dụng các thủ đoạn hết sức tinh vi như: quảng cáo bán hàng ở một nơi nhưng để hàng hóa một nơi khác; dùng hệ thống chuyển phát nhanh để chuyển hàng; để lẫn hàng thật với hàng giả, quay vòng hóa đơn, viết giá trị trên hóa đơn thấp hơn so với giá thực tế... Thậm chí, một số sàn thương mại điện tử cũng chào bán hàng kém chất lượng, hàng giả mạo.
Không chỉ bán các sản phẩm giả, các đối tượng còn sẵn sàng tạo các website giả để tiêu thụ hàng, vi phạm pháp luật và qua mặt các cơ quan chức năng.
Nhiều mẫu túi có bề ngoài giống với mẫu túi của các nhãn hiệu nổi tiếng được bày bán tràn lan trên các tài khoản mạng xã hội |
"Đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp cần tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ cho người tiêu dùng để họ phân biệt được các trang website thật và các trang giả. Khi phát hiện sai phạm, họ cần thông tin đến các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân thay đổi hành vi là rất quan trọng, mới chính là giải pháp gốc rễ của vấn đề này", vị này nhận định.
Có trên 80% người tiêu dùng biết rằng sản phẩm là giả mạo nhưng vẫn mua vì tâm lý sính đồ ngoại, ham giá rẻ. Chẳng hạn, những chiếc túi LV, Chanel, Gucci… thật có giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, nhưng đặt mua trên mạng chỉ vài trăm ngàn đồng, có loại cũng cả triệu đồng rẻ hơn vài chục lần so với món hàng thật. Nhiều người biết là hàng giả, nhưng vẫn mua và chính hành động này đang gián tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội. Do vậy, việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng rất quan trọng.Theo Cục QLTT Nghệ An, việc hàng giả mạo xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, nhưng việc truy tìm, xứ lý cũng không dễ dàng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp chân chính.
Ông Nguyễn Văn Hường - Cục trưởng cục QLTT Nghệ An chia sẻ, trong quý I/2022 lực lượng đã chủ động các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, nhất là việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý; buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại qua môi trường thương mại điện tử.
Đội QLTT số 10 thuộc Cục QLTT Nghệ An đã phát hiện một hộ kinh doanh bày bán 900 áo nữ không có hoá đơn chứng từ |
Đơn cử vào cuối năm 2021, Đội QLTT số 10 thuộc Cục QLTT Nghệ An đã phát hiện hộ kinh doanh Nga Chung, do ông Phạm Quang Chung làm chủ hộ kinh doanh, tại xóm Sen1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An, đang bày bán 900 cái áo nữ mới. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Đội QLTT số 10 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Quang Chung về hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với lô hàng trên.
Trong quý I/2022, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra 334 vụ, xử lý 308 vụ vi phạm các quy định về chất lượng hàng hóa, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng ở các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm… xử phạt gần 1,6 tỷ đồng.
Theo Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Nghệ An, thời gian tới, “Cục sẽ tập trung đấu tranh chống buôn lậu trong khâu lưu thông, kết hợp với quản lý địa bàn hiệu quả. Tập trung kiểm tra nhóm mặt hàng như: pháo nổ các loại, đồ chơi trẻ em không được phép lưu hành, thuốc lá ngoại nhập lậu, rượu ngoại, đồ điện tử…”
Cùng với đó, lực lượng QLTT triển khai các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, ông Nguyễn Văn Hường cho biết thêm.