Thứ năm 14/11/2024 08:34

Nghệ An: Doanh nghiệp xoay xở giữ công nhân khi giảm đơn hàng

Nhiều tháng qua, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Nghệ An đã phải giãn việc, cắt giảm giờ làm thêm, tìm cách xoay xở giữ công nhân khi giảm đơn hàng.

Hiện tại Nghệ Annhiều doanh nghiệp có tới 30%, thậm chí 50% lao động phải giãn việc do giảm đơn hàng, dẫn tới thu nhập giảm. Doanh nghiệp và người lao động cố gắng xoay xở khi dự báo tình hình thiếu việc làm có thể kéo dài tới năm 2023. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp cũng đang rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ trong việc giãn hoãn thuế cũng như cơ cấu lại các khoản vay từ các tổ chức tín dụng để duy trì hoạt động, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nhiều công ty thiếu đơn hàng, công nhân thu nhập giảm

Những tuần qua, nhiều lao động tại Nghệ An “chới với” khi bị cắt giảm việc làm. Theo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, từ trung tuần tháng 11/2022, đơn vị đã tiến hành khảo sát 11 doanh nghiệp với 21.756 lao động. Theo đó, có 4/11 doanh nghiệp đơn hàng giảm, một số doanh nghiệp bố trí giảm giờ làm (nghỉ thứ 7), tuy nhiên không cắt giảm lao động.

Có 3/11 doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lao động, với 580 lao động, chiếm tỷ lệ 2,66%. Cá biệt, Công ty TNHH Matrix Vinh xây dựng kế hoạch cắt giảm 92% số lao động hiện có (410/447 lao động).

Tại Nghệ An, do giảm đơn hàng, nhiều công ty đã phải giãn việc, cắt giảm giờ làm thêm đối với người lao động

Chị Nguyễn Thị Thuỷ là công nhân một công ty may mặc tại Nghệ An cho biết, trước đây công ty nơi chị làm việc thường xuyên tổ chức tăng ca, từ 2-3 giờ/ngày. “Nhưng 2-3 tháng trở lại đây, tôi cũng như nhiều công nhân khác chỉ còn làm giờ hành chính. Tổng thu nhập của tôi chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng so với 6-7 triệu đồng/tháng như trước đây khi còn làm thêm” - chị Thuỷ cho hay.

Theo lời nữ công nhân này, trước đây, khi còn đi làm thêm thường mọi người về nhà rất muộn, khoảng 20h30 - 21h, ít có thời gian chăm sóc các con. Nhưng nay 16h30 chị Thuỷ đã tan ca, được về nhà sớm. “Được nghỉ làm sớm, tôi có thời gian chăm sóc các con hơn, nhưng thu nhập lại giảm đi nhiều”, chị Thuỷ nói.

Khó chồng khó vì thu nhập giảm khi 2 vợ chồng làm chung một công ty. Tổng thu nhập của cả hai hiện nay chỉ còn khoảng chưa đến 10 triệu đồng - số tiền rất khó để có thể nuôi cả gia đình trong tình hình giá cả tăng cao như hiện nay. Cả nhà chị Thuỷ đang phải đi ở trọ. “Vợ chồng tôi đang tích góp để về quê xây nhà, nhưng không có làm thêm, thu nhập giảm như này thì không biết bao giờ mới có tiền xây nhà ở quê” - chị Thuỷ than thở.

Tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan (TP. Vinh), nhiều đơn hàng chủ lực sang thị trường EU, Mỹ giảm đột ngột. Nhiều tháng nay, để đảm bảo hoạt động và giữ việc cho hơn 500 công nhân, công ty buộc phải tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt chấp nhận các đơn hàng lẻ ở thị trường nội địa.

Chia sẻ về điều này, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan cho hay, thời gian qua các đơn hàng xuất khẩu bị thu hẹp lại, nhưng các đối tác không cắt hẳn, họ vẫn duy trì giao dịch với mình để đảm bảo việc làm cho người lao động. Mặc dù không được nhiều ngày công như trước, bị giảm từ 10-15% nhưng vẫn đảm bảo người lao động có việc.

So với giai đoạn 6 tháng đầu năm, đơn hàng của Công ty May Minh Anh Kim Liên sụt giảm mạnh, chỉ còn 70% kể từ quý III/2022.Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp chủ động chuyển đổi đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường nội địa. Ngoài ra, để tiếp tục giữ hoạt động sản xuất, công ty này phải thực hiện các biện pháp tình thế như giảm giờ làm, giãn việc. Hơn 3.000 công nhân lao động chấp nhận thu nhập giảm 10-15%, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Giám đốc Công ty CP May Minh Anh Kim Liên cho hay: "Từ vài tháng nay đơn hàng bị giảm nên đơn vị phải cắt ngày làm việc thứ 7. Ban giám đốc công ty cũng đang cố gắng sắp xếp để công nhân có việc làm, hưởng lương cơ bản, không sa thải hay cắt giảm vì sợ sau này phục hồi, phát triển trở lại sợ khó tuyển được lao động. Do tình hình khó khăn chung, công ty đã phải linh động mở ra ngành hàng phục vụ thị trường nội địa, như mua nguyên liệu bán sản phẩm, thành lập các chuỗi cửa hàng ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng… mở rộng thị trường nội địa nhằm tăng doanh thu và tạo việc làm cho người lao động...".

Không chỉ lĩnh vực may mặc mà các lĩnh vực khác như xuất khẩu đá chế biến, gỗ viên nén, linh kiện điện tử... cũng đang trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng trầm trọng. Để giảm tối đa tác động, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động. Chủ động liên kết tìm kiếm khách hàng, tìm cơ hội gia tăng đơn hàng.

Tại Công ty TNHH SangWoo Việt Nam trong Khu công nghiệp VSIP, tình hình sản xuất sau đại dịch yếu kém. Hiện tại các đơn hàng lớn bị cắt giảm số lượng. Thay vào đó là các đơn hàng nhỏ lẻ, số lượng ít. Đồng nghĩa lượng công việc giảm. Khó khăn trong việc đảm bảo tài chính để chi trả lương do tăng lương kép. Công ty đã và đang tiến hành cắt giảm nhân sự có kế hoạch ở các vị trí dư lao động và tiến hành luân chuyển lao động có tay nghề phù hợp ở các bộ phận.

Hay tại Công ty TNHH Innovative Manufacturing Solutions Vietnam ở Khu công nghiệp VSHIP, là một trong những doanh nghiệp FDI đang bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến sự của Nga và Ukraine. Thể hiện cụ thể qua vấn đề xuất và nhập khẩu hàng hóa. Hàng hóa sản xuất ra không xuất đi được. Đơn hàng bị cắt giảm, hiện tại doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng. Đã tiến hành thực hiện 1 tuần làm việc 5 ngày, nghỉ thứ 7. Sắp tới, có thể sẽ phải bố trí sắp xếp cho người lao động nghỉ luân phiên.

Cùng nhau xoay xở đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời điểm này chúng tôi tập trung tuyên truyền cho người lao động được biết tình hình khó khăn cũng như vướng mắc của doanh nghiệp để người lao động chia sẻ. Cùng với đó đơn vị đang tiến hành khảo sát các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động mới, những công việc mới phù hợp trình độ tay nghề cho người lao động có thêm chọn lựa để không ảnh hưởng tới gia đình…”.

Có kế hoạch lâu dài, đầu tư sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung nên nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất

Theo Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, về cơ bản các doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đều tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tại các khu công nghiệp của tỉnh Nghệ An, số người lao động bị mất việc thời gian qua chủ yếu là công nhân may, công nhân linh kiện điện tử…. Trong khi đó, cũng có khá nhiều các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 4.000 lao động trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Trong đó có một số công ty có quy mô tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Woosin Vina dự kiến tuyển 300 lao động; Công ty TNHH An Nam Matsuoka tuyển 300 lao động; Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An tuyển 3.000 lao động và từ nay đến Tết mỗi tháng tuyển 100 lao động; Công ty TNHH Frescol Tuna Việt Nam tuyển 500 lao động; Công ty TNHH MTV Masan MB ứng tuyển 200 lao động…

Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong những khu công nghiệp trên cơ bản tuyển dụng nguồn lao động phổ thông với tỷ lệ chiếm khoảng 80%, trong đó lao động nữ chiếm hơn 70%. Các ngành nghề chính là điện tử, linh kiện xe, thực phẩm, vật liệu xây dựng....

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, vừa qua, sở cũng trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống việc làm của người lao động. Qua báo cáo sơ bộ, từ nay đến cuối năm, nhiều đơn vị cũng gặp khó khăn về đơn hàng. Song, các doanh nghiệp này vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động.

Nói về nguyên nhân của việc giảm đơn hàng, đại diện Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam cho hay, do tác động của suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid và ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và khu kinh tế, khu công nghiệp nói riêng. Vừa qua, có một số doanh nghiệp dệt may, điện tử trực thuộc bị giảm đơn hàng. Song, tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm của người lao động không có biến động lớn.

Hoàng Trinh
Bài viết cùng chủ đề: Nghệ An

Tin cùng chuyên mục

Đà Nẵng: Phát động Giải báo chí phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5

Cần Thơ: Phát động đợt thi đua cao điểm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc

Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Tinh hoa và bản sắc

Quảng Ngãi: Gió lốc làm tốc mái hàng chục ngôi nhà ở thị xã Đức Phổ

Lào Cai: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình chuyên đề xây dựng nông thôn mới

Ông Ngô Công Thức được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản chọn Vĩnh Phúc là điểm dừng chân

Gia Lai: Ngầm tràn ngập do mưa lớn kéo dài khiến 200 hộ dân bị cô lập

Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án Đường sắt đô thị tuyến sân bay Đà Nẵng - biển Mỹ Khê-Depot

Thái Bình: 4 nhân sự lãnh đạo được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới

Ngày 19/11 sẽ khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Việt Nam) – Pa Háng (Lào)

Ban Bí thư kỉ luật cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình Nguyễn Viết Hiển

Quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Quảng Ninh: Đề xuất chiến lược mở cửa rộng rãi cho du khách tham quan vịnh Bái Tử Long

Hà Giang công bố tân Trưởng ban, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Lai Châu: 5.800 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Cà Mau: Khánh thành bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam

Cà Mau: Đẩy nhanh công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát cho dân

Hà Nội: Tiếc nuối nhìn con đường gốm sứ ven sông Hồng từng đạt kỷ lục Guinness ngày càng xuống cấp

Quảng Ninh: Đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau