Ngày thứ 2 đen tối trên thị trường chứng khoán thế giới
Từ Paris (Pháp) tới phố Wall (Mỹ), các thị trường tài chính đều trải qua một ngày căng thẳng, các chỉ số chứng khoán chủ chốt đều giảm điểm mạnh. Một trong những nguyên nhân chính là cơn địa chấn từ thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trong ngày 24/08, chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn, chỉ số Jones đã mất hơn 1.000 điểm, trước khi tăng nhẹ trở lại. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ sau sự sụp đổ của Ngân hàng Anh em nhà Lehmann Brothers năm 2008. Còn tại châu Âu, cổ phiếu của 300 công ty lớn nhất đăng ký trên sàn chứng khoán đã mất hơn 400 tỷ euro chỉ trong 1 ngày. Đây là những hậu quả trực tiếp của “ngày thứ 2 đen tối” trên thị trường thị trường chứng khoán Thượng Hải, mà ảnh hưởng của nó đã làm các thị trường chứng khoán tại châu Âu và Mỹ ngập trong sắc đỏ.
Trước đó, lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán Thượng Hải chứng kiến một phiên giao dịch tụt dốc thảm hại nhất kể từ năm 2007, kéo theo hiệu ứng bán tháo cổ phiếu trên toàn thị trường châu Á.
Trên thực tế, những phản ứng trên thị trường quốc tế đối với tình trạng căng thẳng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu từ cách đây hơn 1 tuần và ngày hôm qua có thể xem là đỉnh điểm, trong khi thị trường chứng khoán Thượng Hải đã liên tiếp chứng kiến các phiên sụt giảm mạnh từ tháng 6.
Vậy tại sao đến bây giờ các thị trường chứng khoán quốc tế mới phản ứng mạnh như thế? Từ lâu, sự sụp giảm đã được phân tích như một “sự điều chỉnh tự nhiên” của một thị trường quá nóng. Chỉ số Thượng Hải đã tăng 100% chỉ trong 1 năm, với sự xuất hiện ồ ạt của các nhà đầu tư nhỏ, thích đầu tư vào chứng khoán hơn là đầu tư bất động sản đang ngày càng không còn hấp dẫn tại Trung Quốc.
Theo bà Mary- Francoise Renard, giám đốc viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Pháp, thị trường chứng khoán đã không còn phản ứng đúng với thực tế nền kinh tế của một nước mà tăng trưởng đã chậm lại. Tuy nhiên, quy mô của “đợt điều chỉnh trên thị trường chứng khoán này” dường như đã vượt tầm kiểm soát của chính phủ Trung Quốc. Chính quyền nước này đã triển khai nhiều biện pháp nhằm trấn an các thị trường, song đều không thành công.
Một chuyên gia kinh tế Pháp cho biết: “Khi nhìn vào tình hình Trung Quốc, người ta có cảm giác rằng, chính phủ không còn tuyệt đối kiểm soát tình hình nữa, hay nói cách khác là phản ứng của Trung Quốc vẫn là chưa đủ. Và đây cũng chính chính là lý do khiến các nhà đầu tư hoảng loạn như từng phản ứng với quyết định phá giá đồng yên mới đây của chính phủ Trung Quốc.”
Những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Thượng Hải trong ngày hôm qua đã cho thấy, các nhà đầu tư đã mất niềm tin với Trung Quốc trong việc kiểm soát tình hình và họ tự hỏi, đâu là mức độ thực sự của những vấn đề kinh tế mà Trung Quốc đang gặp phải. Một số nhà phân tích cho rằng, tình hình hiện nay chính là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tương tự như năm 2008.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Mary- Francoise Renard lại cảnh báo nguy cơ của việc “thảm họa hóa” những vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Bởi theo bà, Trung Quốc đang trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và tiến trình này chắc chắn sẽ mất thời gian. Nước này đang triển khai những cải cách nhằm thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ thay vì công nghiệp vốn lâu nay vẫn được xem là động lực của tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Chính vì thế, khả năng cạnh tranh của Trung Quốc bị ảnh hưởng và tăng trưởng trong năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn mục tiêu 7% mà nước này đề ra. Đây là một giai đoạn chuyển tiếp bình thường đối với mọi nền kinh tế đang chuyển đổi. Và việc cần làm lúc này là chờ đợi và kiên nhẫn./.