Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: Nâng tầm văn hóa đọc của người Dầu khí
Việc tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” vào ngày 21/4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Các cán bộ, nhân viên tại phòng đọc sách Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam |
Trong đó, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.
Mặt khác, Ngày Sách và Văn hóa đọc còn là dịp tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra quan điểm: Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
Phát triển văn hóa đọc trên cơ sở khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại.
Trong đó, chỉ rõ Nhà nước hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, đồng thời đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc. Các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác liên quan cùng gia đình, cộng đồng có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc.
Đặc biệt định hướng đến năm 2030: Người dân có thói quen đọc và kỹ năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại nơi sinh sống, học tập, công tác. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Môi trường đọc tiếp tục được cải thiện. Hoạt động thư viện, xuất bản có khả năng đáp ứng nhu cầu đọc của người dân (bao gồm cả xuất bản ấn phẩm in và điện tử).
Đến năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch 3042/KH-BTTTT về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021- 2025.
Đại diện Công đoàn Cơ quan điều hành PV GAS chuyển món quà là những cuốn sách hay do NLĐ đóng góp để tặng cho Thư viện PV GAS CA MAU |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong toàn Tập đoàn. Trong đó, được sự quan tâm của lãnh đạo Tập đoàn, từ năm 2021, thư viện riêng cho cán bộ công nhân viên với hàng ngàn đầu sách quý, hiếm đã được xây dựng. Tập đoàn đã dành riêng một khuôn viên yên tĩnh, với ánh sáng đẹp, có khu vực tự phục vụ nước uống để người lao động có nhu cầu đọc sách được thoải mái nghiên cứu, học tập.
Tại các đơn vị trong Tập đoàn như Tổng Công ty Khí Việt Nam(PV GAS); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Đoàn Thanh niên Tập đoàn... đều phát động văn hóa đọc, góp sách tạo thư viện tại cơ quan, tặng sách cho các bạn nhỏ vùng sâu, vùng xa... và nhiều hoạt động ý nghĩa khác để lan tỏa tinh thần tự học trong cộng đồng, xã hội.
Không chỉ dừng lại ở phong trào đọc sách, cán bộ nhân viên Petrovietnam còn xem xét đánh giá về "văn hóa đọc" trong công tác chuyên môn như xử lý công văn, tư vấn pháp luật, thúc đẩy hiệu suất công việc hàng ngày. Theo đó, với ứng dụng công nghệ số của Văn phòng Tập đoàn, lượng công văn giấy tờ từ các đơn vị, bộ ngành liên quan được xử lý ngày càng nâng cao về tốc độ cũng như chất lượng.
Trong đợt quán triệt nâng tầm văn hóa Petrovietnam và nâng cao văn hóa phối hợp thực thi công vụ của Tập đoàn vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn cùng toàn thể cán bộ công nhân viên đã quán triệt chủ trương phát triển văn hóa đọc trong xử lý công việc chung của Tập đoàn. Trong đó, không chỉ các lãnh đạo cao cấp trong Tập đoàn mà lãnh đạo cấp trung cũng cần phải nêu gương. Từ đó, việc nâng cao hiệu quả phối hợp công việc của các Ban chuyên môn, Văn phòng Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên được nâng cao, tiến tới xây dựng thành công văn phòng số, văn phòng thông minh.