Ngày Du lịch thế giới (27/9): Chung tay vì hành tinh xanh
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhấn mạnh, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua là dịp để xác định và điều chỉnh lại phương hướng, cách thức đầu tư vào du lịch nhằm hỗ trợ tốt hơn cho việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững. Do đó, UNWTO đã xác định đầu tư là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với sự phục hồi, tăng trưởng và phát triển của du lịch trong tương lai.
Tổ chức Du lịch thế giới đặc biệt lưu ý sự cần thiết phải thực hiện các dự án đầu tư truyền thống và phi truyền thống với định hướng tốt hơn dành cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng, để du lịch có thể mang lại cơ hội cho con người, nâng cao khả năng chống chịu; đồng thời tăng tốc hành động chống biến đổi khí hậu và nâng cao tính bền vững cho hành tinh cũng như mang lại sự thịnh vượng toàn diện xung quanh các trụ cột về đổi mới và khởi nghiệp.
Theo đó, UNWTO xác định đầu tư là một ưu tiên chính của ngành du lịch, đóng vai trò là cầu nối giữa các quốc gia thành viên UNWTO, các điểm đến, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ngày Du lịch thế giới 2023 là lời kêu gọi hành động đến từ cộng đồng quốc tế, chính phủ, tổ chức tài chính, đối tác phát triển và nhà đầu tư khu vực tư nhân cùng đoàn kết xung quanh chiến lược đầu tư du lịch mới.
Ngoài ra, sẽ nêu bật nhu cầu thiết yếu trong đầu tư cho các dự án phục vụ con người (thông qua đầu tư vào giáo dục và kỹ năng), hành tinh (thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và thúc đẩy chuyển đổi xanh) và thịnh vượng (thông qua đầu tư vào đổi mới, công nghệ và khởi nghiệp).
Đối với Việt Nam, phát triển bền vững, phát triển xanh luôn là một định hướng quan trọng trong các chiến lược, đề án của ngành du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Nhằm khẳng định và hiện thực hóa chủ trương nói trên, Năm Du lịch Quốc gia năm 2022 và 2023 đều chọn chủ đề về du lịch xanh. Trong đó, Năm Du lịch Quốc gia 2022 có chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, du lịch xanh, bền vững. Tỉnh Quảng Nam đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống, khai thác bền vững các di sản văn hóa thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Còn chủ đề Năm Du lịch Quốc gia 2023 tại /chu-de/tinh-binh-thuan.topic cũng được lựa chọn là “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đây chính là thông điệp một lần nữa khẳng định nhất quán chủ trương, định hướng thống nhất hành động, liên kết tất cả địa phương, điểm đến, doanh nghiệp và các bên liên quan trong ngành du lịch đưa du lịch phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, với địa hình nhiều đồi núi và cao nguyên, đường bờ biển dài, hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ…, Việt Nam có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch xanh, tạo nên sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo và khác biệt, có sức hút lớn với du khách quốc tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh, khi hướng dẫn các địa phương xây dựng du lịch cộng đồng, yếu tố quan trọng luôn được đặt lên hàng đầu là tập huấn cho bà con thay đổi tư duy làm du lịch, tận dụng tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa đang có để thu hút du khách.
Cũng theo ông Phạm Hải Quỳnh, du lịch Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức, đó là mâu thuẫn giữa phát triển, xây dựng với bảo tồn thiên nhiên; thói quen xả rác bừa bãi, sử dụng vật liệu có hại với môi trường của người dân và du khách…
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Du lịch xanh là xu hướng tất yếu để phát triển du lịch bền vững và hiệu quả. Đây cũng là cách để vừa phát triển du lịch, thu hút du khách, vừa bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến một nền tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác. |