Thứ tư 27/11/2024 17:44

Ngành tôm đối mặt nguy cơ mới

Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu trứng Artemia (thức ăn cho tôm giống) cho rằng nếu bị truy thu thuế 5%, họ sẽ bị đẩy vào đường cùng và thiệt thòi lớn nhất vẫn là người nuôi tôm.
Trứng Artemia sắp bị áp thuế nhập khẩu

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và cơ sở sản xuất tôm giống vừa gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc trứng Artemia bị áp thuế nhập khẩu 5% gây khó khăn cho ngành tôm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng vừa kiến nghị về mức thuế bất hợp lý này nhưng chưa được xem xét giải quyết.

Chất lượng con giống sẽ giảm sút

Theo một số công ty và cơ sở sản xuất tôm giống của Hiệp hội Tôm giống tỉnh Bình Thuận, thương hiệu tôm giống Bình Thuận (được bình chọn là con tôm giống tốt nhất) đang bị đe dọa vì chất lượng giảm sút. Bởi lẽ, Artemia là thức ăn tốt nhất cho tôm giống nhưng phải chịu thuế nhập khẩu 5%, trong khi các loại thức ăn thông thường giá rẻ lại được hưởng thuế suất 0%.

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, tập thể các nhà sản xuất tôm giống cho biết họ bất bình về việc truy thu thuế nhập khẩu đối với Artemia. Theo các DN, Artemia có giá 2-3,5 triệu đồng/kg nên việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí. Điều này dẫn đến tình trạng buộc DN phải cắt giảm Artemia có chất lượng tốt, thay vào đó là sử dụng thức ăn thông thường có giá 200.000-300.000 đồng/kg (rẻ hơn 90%).

Như vậy, chất lượng tôm giống sẽ suy giảm và hậu quả là tôm thương phẩm phải bị nhiều bệnh tật do con giống kém chất lượng. Khi giống kém chất lượng, người nuôi thương phẩm (khách hàng của trại giống) phải sử dụng nhiều kháng sinh để ngăn ngừa bệnh tật, dẫn tới nguy cơ suy thoái môi trường vùng nuôi.

Do đó, các DN và cơ sở nuôi tôm mong muốn Thủ tướng thấu hiểu được những khó khăn mà ngành tôm đang gặp phải. “Mong Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế nhằm vực dậy ngành tôm giống nói riêng, nuôi thủy sản nói chung. Các vùng nuôi thương phẩm sẽ đạt hiệu quả cao khi có chất lượng con giống được bảo đảm” - các DN và cơ sở nuôi tôm kiến nghị.

DN nhập khẩu khốn đốn

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện Công ty TNHH Thông Thuận (một DN nuôi tôm ở tỉnh Ninh Thuận), công ty đã nhập về 2 mặt hàng dùng làm thức ăn nuôi tôm có xuất xứ từ Mỹ với mã quốc tế khai báo hải quan là HS Code là 2309.9013 (có xác nhận từ nước xuất khẩu). Công ty khai báo mã hàng đúng mã quốc tế này và được thông quan gần 5 năm qua. Thế nhưng, gần đây, mã hàng này bỗng nhiên bị cơ quan quản lý nhập khẩu áp vào mã khác với thuế suất 5% và còn “dọa” sẽ truy thu thuế.

Cụ thể, Chi cục Kiểm tra sau thông quan - Cục Hải quan TP HCM đã yêu cầu kiểm tra và áp lại HS Code là 2309.9013 thành mã HS Code là 0511.9100 (sản phẩm từ cá hoặc động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác, động vật đã chết, thuộc chương 3 thuế nhập khẩu 5%), đồng thời yêu cầu truy thu thuế 5% cho các lô hàng đã nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước.

Trong khi mọi việc đang khiến DN “choáng” thì mới đây, một số nơi nhập Artemia bị thu thuế 5%, như Công ty TNHH Thông Thuận, Công ty TNHH K.N…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan, cho biết: “Theo luật, DN khi nhập mặt hàng nào thì phải căn cứ vào danh mục hàng hóa và biểu thuế của Việt Nam đang có hiệu lực (chứ không phải căn cứ theo mã nước khác) để kê khai cho đúng. DN phải chịu trách nhiệm với sự kê khai này”.

Theo các DN nhập khẩu trứng Artemia, họ đã nghiên cứu mã sản phẩm tương ứng với thuế nhập khẩu 0% để nhập và được hải quan chấp thuận, đã chiết tính vào giá thành sản phẩm bán cho nông dân lâu nay. Giờ bị truy thu thuế thì DN không thể đòi lại tiền từ nông dân.

Trả lời câu hỏi vì sao Chi cục Kiểm tra sau thông quan lại chấp thuận khai báo mã hàng với mức thuế 0%, đại diện chi cục giải thích: “Rất bận nên không thể kiểm soát hết các vấn đề này. Hơn nữa, không phải mã hàng nào đơn vị cũng nắm được. Cứ đúng quy định trong 5 năm sẽ rà soát, nếu đúng thì thôi, sai thì điều chỉnh”.

Liên quan đến những bức xúc của DN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VASEP, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính đề nghị áp thuế nhập khẩu 0% đối với trứng Artemia. Mới đây, Hiệp hội Tôm Bình Thuận có thêm văn bản đề nghị Bộ Tài chính dừng Thông tư 98 (có hiệu lực từ ngày 13-8) hướng dẫn áp thuế nhập khẩu 3% cho trứng Artemia (thay vì 5% hoặc 0%) để cùng đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Theo Người Lao động

Tin cùng chuyên mục

Cơ hội và thách thức cho tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác Halal giữa Việt Nam - Malaysia: Dấu mốc mới, tạo đột phá thương mại song phương

Ngành dịch vụ logistics thích hợp với ''dòng chảy'' hàng hóa xuất nhập khẩu

Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam

Khai mạc Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024

Chính sách xanh đang tác động đến dòng chảy thương mại và đầu tư

Việt Nam và Nhật Bản tìm hướng thúc đẩy giao thương nông sản

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 681 tỷ USD

Thành tích xuất nhập khẩu kỷ lục của năm 2024 có đóng góp lớn của Bộ Công Thương

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới